Trang

24/12/13

Hướng dẫn ôn tập TT Hóa Định lượng - Dành cho lớp D2AB

Các em D2AB thân mến,
Do thời gian qua thầy bận dạy nhiều lớp nên chưa đưa ra chương trình kiểm tra kịp cho các em. Giờ thầy sẽ thông báo về việc kiểm tra như sau:
1. Mỗi lần vào 12 em, mỗi em có 30 phút để làm bài.
2. Bài làm sẽ là một phần của bài thực hành, các em không phải làm hết.
3. Có sẵn Bảng kiểm để các em xem.
4. Chấm điểm thao tác là chủ yếu (8đ), kết quả 2 đ.
5. Kết quả chấm dựa vào cách tính toán áp dụng công thức. Công thức tính toán các em tự học (vì thi lý thuyết cũng phải học mà :D).
6. Những em nào làm phần Pha hóa chất thì nộp lại hóa chất sau khi pha cho thầy.
7. Nhớ rửa dụng cụ trước khi về, vì có điểm vệ sinh.
8. Dụng cụ khi làm các em tự lấy, nhớ cẩn thận và nhẹ nhàng vì chúng rất dễ vỡ.
9. Học thuộc tất cả các công thức tính.

22/12/13

GDP năm 2013 tăng hơn 5,4%

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay cho thấy tổng sản phẩm trong nước ước đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng sau 12 tháng, tăng 5,42% so với cùng kỳ. Lạm phát cả năm đạt 6,6%.
thep-9487-1387763502.jpg
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 6% so với cùng kỳ 2012. Ảnh: Anh Quân
Khu vực dịch vụ tiếp tục là đầu tàu thúc đẩy kinh tế năm qua với mức tăng 6,56% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng lần lượt tăng 2,67% và 5,43%.
So với mức tăng 5,25% của năm 2012, tốc độ tăng GDP năm nay có sự cải thiện và biến động tích cực qua từng quý, cụ thể quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54% và quý IV tăng 6,04%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra.
Sản xuất công nghiệp năm 2013 có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2013 ước tính tăng 5,9%, cao hơn mức 4,8% của năm ngoái. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại 1/12/2013 tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước, thấp hơn mức 23% cùng kỳ năm 2011 và 20,1% cùng kỳ năm 2012.
Năm 2013 cũng là năm có mức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất trong nhiều năm qua và vượt chỉ tiêu đề ra (13-15 tỷ USD). Lượng vốn FDI thu hút từ đầu năm đến 15/12/2013 ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn FDI cả năm khoảng 11,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Vốn FDI tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước...
Cũng theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố trong buổi họp báo sáng 23/12, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm đạt gần 132,2 tỷ USD, nhập khẩu ước trên 131,3 tỷ USD. Như vậy trong năm 2013, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 900 triệu USD.
Phương Linh - Nhật Minh (vnexpress.net)

29/11/13

Đam mê xuất khẩu dừa xiêm

Vượt qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt, anh Bùi Dương Thuật đã đưa đặc sản nổi tiếng của Bến Tre có mặt trên kệ hàng nước ngoài và được người tiêu dùng nước bạn đánh giá cao.
Là chủ một xưởng nước đá ở TP HCM kiêm thêm nghề môi giới ôtô cho những ai có nhu cầu, anh Bùi Dương Thuật, quận Tân Bình còn hướng sang lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng tới thời điểm này, nghiệm lại chặng đường kinh doanh, anh nhận thấy câu chuyện xuất khẩu dừa mang lại nhiều dư vị cảm xúc nhất cho mình. Mỗi khi có đơn hàng, anh trở thành dân miệt vườn chính hiệu, tự tay chọn lựa từng trái dừa xiêm đáp ứng những tiêu chuẩn khắc khe của đối tác.
Cách đây một năm, một số bạn bè là Việt kiều Australia khi về nước thưởng thức qua dừa xiêm và khen mùi vị của hàng Việt ngon, đậm đà hơn nhiều so với dừa Thái vốn rất phổ biến ở xứ sở chuột túi. Ý tưởng mang loại đặc sản này miền Tây xuất ngoại chợt lóe lên trong đầu. Anh bắt đầu hành trình "hiểu" cặn kẽ về trái dừa, từ cách nhận diện độ tuổi, gáo mỏng hay dày, nước nhiều hay ít, độ mềm cứng của cơm dừa, hái thời điểm nào sẽ cho quả ngon nhất... và chỉ thu mua ở Bến Tre (nơi được mệnh danh xứ dừa nổi tiếng). Nhưng cái khó là làm sao đảm bảo độ tươi ngon, giữ nguyên hương vị đặc trưng của dừa xiêm Bến Tre khi nó nằm trên kệ hàng nước ngoài, sau hành trình dài sang nước bạn.
dua-1-9409-1385713249.jpg
Dừa xiêm Bến Tre sau khi gọt vỏ đạt trọng lượng 0,9-1 kg mới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: DT
Tháng 11/2012, anh mang 12 trái gửi đến một Viện nghiên cứu tại TP HCM thử nghiệm nhưng kết quả không khả quan.
Anh chưa nghĩ ra cách nào làm cho bề ngoài quả dừa vẫn giữ được màu trắng như khi mới bỏ đi lớp vỏ xanh mà không dùng tới hóa chất. Nhóm bạn Việt kiều khi nghe anh chia sẻ băn khoăn đã gợi mở công thức pha chế hợp chất để bảo quản màu sắc "tươi như mới hái" của dừa mà không gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng và phù hợp với quy định của ngành y tế. Nhưng thử nghiệm này thất bại.
Anh quyết thử lần nữa, tìm một số chất có công dụng tương tự nằm trong danh mục được quốc tế công nhận. Khi xác định hợp chất phù hợp, anh thử 10 mẫu gồm 30 trái, đánh số thứ tự từ 1 đến 10. Kết quả khả quan khi hơn 40 ngày, quả dừa xiêm chưa thâm đen.
Được một người bạn công tác bên Australia đứng ra giới thiệu anh với doanh nghiệp chuyên nhập khẩu dừa nguyên trái từ các nước, anh liền xúc tiến thương mại giữa hai bên. "Cũng may tại thời điểm đó, đơn vị này cần mở rộng hoạt động và nhận thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn về dừa nên họ mới có ý định hợp tác với tôi", anh nhớ lại.
Công ty này cử chuyên gia sang Việt Nam để tận mắt thấy quá trình thu hoạch, bảo quản và chưa hứa hẹn gì nhiều. Họ yêu cầu phải đảm bảo quả dừa sau khi gọt vỏ có trọng lượng 0,9-1 kg, chọn loại độ tuổi 80 ngày là hái xuống, khi lắc không có tiếng kêu, cơm dừa đạt độ dày vừa ăn.
Sau chuyến thăm của đối tác, tuần nào anh cũng xuống Bến Tre vài ngày học thêm bí quyết chọn dừa không bị sâu, cách xử lý đối với dừa vừa thu hoạch xong. Do đề nghị nghiêm ngặt từ nước ngoài nên anh không mua dừa cũ từ ngày hôm trước mà chỉ chọn những quả mới hái từ trên cây.
dua-8702-1385713250.jpg
Dừa xiêm xanh sau khi gọt vỏ sẽ dùng công nghệ bảo quản do phía Australia chuyển giao để hoàn tất quá trình sơ chế và xuất ngoại. Ảnh: D.T
Đến giữa tháng 4, phía Australia đề nghị gửi dừa mẫu để họ thử chất lượng. Sau nhiều ngày chờ đợi, họ lại muốn kiểm tra thêm mức độ bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm. Lại thêm những ngày hy vọng. Cả tháng sau, đơn vị này thông báo chấp nhận hợp tác với anh, bởi "quả dừa xiêm xanh Việt có thể để 50-70 ngày vẫn có độ ngọt và ngon hơn dừa Thái Lan".
“Nhà nhập khẩu này làm việc với nhiều công ty Thái hơn 30 năm và đây là lần đầu tiên họ hợp tác với doanh nghiệp Việt. Tôi vui còn hơn khi môi giới xong một chiếc xe hơi hay nhận thêm hợp đồng nước đá", anh trải lòng.
Cuối tháng 6, phía Australia đặt thử một container gồm 870 thùng, mỗi thùng 9 trái, ước khoảng 7.830 quả dừa để thăm dò thị trường Australia. Sau khi nhận đơn đặt hàng, anh trực chiến ở Bến Tre suốt 5 ngày, làm việc từ 5h sáng đến 23h đêm để chính tay kiểm tra mọi công đoạn.
Sau khi phân loại cho ra hàng ngon nhất, bảo quản theo đúng công nghệ mà đối tác chuyển giao, anh đưa dừa vào nơi thoáng mát để làm khô, dùng quạt thổi vào mỗi vỉ (khoảng 200 trái). Khi trái vừa ráo nước là đóng bao bì ngay, nếu để quá khô, sản phẩm thô ráp, không đẹp mắt. Do chưa có cơ sở ở Bến Tre nên anh thuê ba phòng karaoke máy lạnh để trữ dừa ở nơi mát.
24 ngày hàng di chuyển trên biển là cũng bấy nhiêu ngày anh sốt ruột, lo lắng về lô hàng xuất ngoại đầu tiên. "Không còn gì vui hơn khi đối tác cho biết dừa xiêm Việt Nam bán hết vèo chỉ trong hai ngày. Một thành công vượt trên mong đợi của tôi", anh chia sẻ.
Mỗi trái dừa anh bán cho đối tác khoảng 23.000 đồng. Bán với giá này anh chẳng lời bao nhiêu bởi thu mua hàng "tuyển" từ thương lái hoặc nhà vườn đã là 12.000 đồng, chưa bao gồm các chi phí khác. "Tôi xác định quả dừa xiêm chỉ nhắm đến thị trường xuất khẩu vì người tiêu dùng trong nước không cần cầu kỳ mà thích chặt trái ra uống liền, không để lâu", anh nói.
Hiện tại, đối tác phía Australia làm cầu nối để công ty của anh có thể cung cấp quả dừa xiêm xanh cho hai chuỗi siêu thị lớn nhất nước này. Tuy nhiên, vì đây là các siêu thị hàng đầu nên ngoài những yêu cầu cơ bản, họ còn đòi hỏi nhà xuất khẩu đạt một số tiêu chuẩn như siêu sạch và sản phẩm hoàn toàn hữu cơ. Do đó, trở ngại của anh là quy hoạch vùng nguyên liệu, chứng minh xuất xứ nguồn gốc cây dừa không phải chăm bón bằng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu...
"Hoạt động xuất khẩu dừa chưa có lợi nhuận ổn định, nhưng tôi xác định việc kinh doanh này là lâu dài và sẽ còn phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm", anh chia sẻ. Anh đang tính cách mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm những đơn vị có thị trường xuất khẩu nhưng thiếu công nghệ bảo quản hoặc cá nhân, tổ chức cần tư vấn cách bảo quản xuất khẩu.
Theo anh, chỉ cần 2-3 đơn vị xuất khẩu quả dừa thường xuyên thì người trồng sẽ có thu nhập ổn định. Cứ 10 trái dừa, nhà vườn kiếm 50.000 đồng, tức một hecta thu 20 triệu đồng.
Mai Phương (vnexpress.net)

11/10/13

Vốn ngoại rót vào cầu, đường

TT - Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM) là dự án BT đầu tiên có yếu tố nước ngoài, triển khai đổi đất lấy dự án. Hình thức kêu gọi đầu tư này mở ra phương thức mới về huy động vốn đầu tư trong tình hình nguồn ngân sách eo hẹp.

Đường Phạm Văn Đồng đoạn chạy qua Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tất Thành Cang, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nói:
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tất Thành Cang, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nói:
- Với dự án đường Phạm Văn Đồng, lợi ích mang lại từ mô hình kêu gọi đầu tư này thấy rất rõ. Cụ thể, TP không phải bố trí ngân sách đang eo hẹp đầu tư tuyến đường này mà để tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Đầu tiên là tận dụng được phần vốn ứng trước (120 triệu USD) của nhà đầu tư để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Có nghĩa là TP không cần bỏ vốn mà có đường, tuyến đường được hình thành tạo điều kiện để chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh. Mặt khác ở hình thức này chủ đầu tư được giao một khu đất ở Q.2 để xây dựng. Hiện khu đất này đã được chủ đầu tư triển khai xây dựng đô thị tạo sự phát triển cho khu vực này.

* Vậy thời gian tới TP.HCM sẽ phát triển, mở rộng mô hình có yếu tố vốn nước ngoài này như thế nào?

- Do bản chất hình thức đầu tư theo hình thức BT là xây dựng - chuyển giao, việc hoàn trả chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện nay là bằng hình thức trả bằng tiền (ngân sách TP) hoặc giao thực hiện dự án khác (thường là dự án bất động sản). Với bối cảnh ngân sách hiện nay đang rất eo hẹp và quỹ đất có sẵn quá ít, không đủ để đối ứng với kinh phí đầu tư của nhà đầu tư nên để phát triển, mở rộng mô hình đầu tư này TP chủ trương giao cho nhà đầu tư nghiên cứu, khai thác quỹ đất dọc tuyến đường trên cơ sở các chỉ tiêu về quy hoạch và xây dựng nhằm đảm bảo lợi nhuận của nhà đầu tư và chênh lệch địa tô bù đắp vào kinh phí thực hiện công trình.

Theo đó, nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn để thực hiện công trình và dự án khác. TP sẽ hỗ trợ bù đắp lãi vay phát sinh cho phần vốn vay các tổ chức tín dụng của nhà đầu tư để thực hiện dự án. Việc hoàn trả kinh phí đầu tư công trình bằng dự án khác dựa trên nguyên tắc ngang giá tại cùng thời điểm giao đất để thực hiện dự án khác. Phần thiếu hụt trong việc chi trả kinh phí đầu tư công trình, tùy từng trường hợp sẽ được TP và nhà đầu tư thỏa thuận chi trả bằng ngân sách theo một hay nhiều đợt sau khi công trình đã được hoàn thành, quyết toán.

* Với nguồn vốn ngân sách eo hẹp hiện nay thì ngoài thực hiện BT, có phương thức kêu gọi đầu tư nào đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

- Theo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, tổng nhu cầu vốn từ nay đến năm 2015 là 71.220 tỉ đồng và đến năm 2020 là 326.277 tỉ đồng. Để có thể giải quyết được nhu cầu này, bên cạnh việc tiếp tục vận động nguồn vốn ODA, cần phải có nhiều cơ chế - chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia. Đặc biệt là nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Các dự án đầu tư theo hình thức sử dụng vốn ngoài ngân sách thuộc các lĩnh vực giao thông, vận tải và công chính tính với từng lĩnh vực sẽ có một số mô hình đầu tư phù hợp theo quy định hiện hành như hình thức hợp đồng BT, BOT,PPP... Tuy nhiên, Chính phủ và TP còn cần phải hoàn thiện các chính sách ưu đãi, tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư an tâm đầu tư. Giao nhà đầu tư chủ động nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế rủi ro trong đầu tư, xác định chính xác tổng chi phí đầu tư để tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo phù hợp với tiến độ giải ngân. Nghiên cứu này nếu được TP chấp nhận sẽ được hạch toán vào tổng chi phí đầu tư sau này để hoàn trả cho nhà đầu tư.

ĐÌNH DÂN thực hiện (Nguồn  tuoitre.vn)

15/9/13

Nanogen tham gia Hội chợ Thuốc & Dược phẩm - CPhI 2012 tại Madrid, Tây Ban Nha

Với lịch sử hơn 20 năm, hội chợ CPhI Worldwide là hội chợ hàng năm về nguyên liệu dược lớn nhất thế giới, là dịp để các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm cũng như công nghệ chế biến, đóng gói sản phẩm…


Hội chợ năm nay có sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 130 nước trên thế giới, tập trung vào các sản phẩm chính như thuốc, các tá dược, kháng sinh, hormon, vắc xin...

Công ty công nghệ sinh học dược NANOGEN là công ty dược phẩm duy nhất của Việt Nam tham gia hội chợ, với mục đích quảng bá thương hiệu NANOGEN và các dược phẩm sinh học như: Feronsure, Pegnano, Ficocyte, Pegcyte, Nanokine...

Gian hàng của Nanogen tại hội chợ

Gian hàng NANOGEN đã thu hút rất nhiều khách tham quan quốc tế. Các sản phẩm của công ty đã được đánh giá cao không những về chất lượng mà còn về hình thức mẫu mã. Qua đó, công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng hợp tác, liên kết, cung cấp sản phẩm cho các đối tác từ khắp nơi trên thế giới.


Nguồn: Nanogen.com

3/9/13

Cá Nục nấu Canh chua Quảng Bình

Canh chua cá nục - đặc sản Quảng Bình

Cá nục nấu canh chua không cầu kỳ, sang trọng mà mộc mạc như tâm hồn người Quảng Bình. Các bạn ghé Quảng Bình xin một lần thưởng thức hương vị món ăn dân dã này của quê tôi!

Quảng Bình - nơi mảnh đất eo hẹp của miền Trung, nơi miền đất gió Lào cát trắng. Ở đây ngày xưa các thi sĩ đã ví "Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn" thì bây giờ các cô, các bà sẽ tự tay nấu cho ta món canh chua đậm đà, khó quên...

Đúng vậy, ngoài những đặc sản biển Quảng Bình mà nhiều người biết đến ở đây còn có món ăn độc đáo mà không có người Quảng Bình nào lại không ưa thích.

Mùa hè, nhìn vào mâm cơm có đĩa rau sống, bát canh chua là đã thấy thèm. Vào mùa này, các chợ tràn ngập cá, những năm được mùa thì cá nục rất rẻ nhưng ăn lại ngon.

Cá nục hình thon, lưng xanh, bụng trắng, cá này nhỏ nhưng ăn béo và thơm. Ta có thể là sạch, nấu cách thủy cùng với ra sống kẹp bánh cuốn bánh tráng thì ăn khó quên. Song, cá nục nấu canh chua lại càng hấp dẫn hơn, nó chan(?ng thua gì cua nấu rau muống ở miền Bắc, lại chẳng thua cá lóc nấu canh chua miền Nam.

Còn dưa chua, đấy là những quả dưa non thái mỏng cùng với măng tre cho vào muối. Mua dưa này về nấu canh cá nục thì không còn gì bằng.

Cá chỉ cần làm sạch để nguyên con. Sau khi phi hành mỡ, cho dưa chua và nước vào nồi đun sôị Nước sôi cho cá vào đủ độ chín, bắc nồi canh xuống để cá không bị nát mà ăn ngọt. Cho hành lá, hạt tiêu vào nữa là ta cónồi canh chua ngon tuyệt.

Theo quangbinhtourist.com

19/8/13

Nữ đại gia người Việt trên đất Lào

Bà Lê Thị Lượng
Bà Lê Thị Lượng không chỉ được người dân Lào ngưỡng mộ mà còn là "bông hồng vàng" trong giới nữ doanh nhân người Việt do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vinh danh.

Đi đến đâu ở Champasak cũng nghe người dân nói đến "Đào Hương" (Dao Heuang) hoặc "Đào" (Dao). Nào là chợ của Đào Hương, nhà máy của Đào Hương, nông trường của Đào Hương, cà phê Đào, nước đóng chai Đào… Nữ chủ tịch tập đoàn Dao Heuang được người dân ở Lào gọi là bà Đào Hương, mặc dù tên gọi theo tiếng Lào của bà là Leuang Litdang và tên do cha mẹ đẻ đặt cho là Lê Thị Lượng.

Bà Lượng sinh ra tại Lào, là chị cả của tám người em. Gia đình nghèo, bà vất vả từ nhỏ, ra chợ Pakse buôn bán để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em. Có thời gian bà lên Viêng Chăn học nghề làm bánh, mứt và về Pakse làm bán, tích cóp chút đỉnh bằng nghề này. Khi có gia đình riêng, bà nghĩ an phận cùng chồng là bác sĩ lo cho các con ăn học, nhưng rồi bà không dứt được nghiệp kinh doanh khi vẫn phải giúp đỡ cho các em.

Vào những năm 1976 – 1980, thấy bà con người Việt sang Lào làm ăn nhiều, bà mở một quầy tạp hoá phục vụ họ. Khi nhà nước Lào chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, bà lập ngay công ty xuất nhập khẩu và nhận thấy cửa khẩu giữa Lào với các nước đều chưa có cơ sở thương mại nào, năm 1992 bà xin mở các cửa hàng miễn thuế. Năm 1997 bà Lượng bỗng dưng đi làm nông nghiệp, đến Paksong trồng cà phê.

Bà về Việt Nam, lên vùng Tây nguyên học cách người ta trồng cà phê, bỏ ra 3 triệu USD thuê nhân công có kinh nghiệm trồng cà phê từ Việt Nam sang trồng 150ha. Không may, vụ thu hoạch đầu tiên gặp đợt sương muối nên cà phê héo úa chết gần hết. Song, cũng nhờ lần đó, bà nhận ra đất đai ở Champasak phù hợp với cà phê arabica. Không nản, bà cho trồng lại và mở rộng ra đến 250ha. Xuất khẩu cà phê đã mang lại cho Dao Heuang nguồn thu lớn.

Dao Heuang – Đào Hương – gồm chữ Hương là tên con gái, còn chữ Đào thì bà Lượng giải thích phát âm theo tiếng Lào có nghĩa là sao sáng. Bà ước mơ dẫn dắt doanh nghiệp này trở thành một ngôi sao sáng trên thương trường Lào và Đông Nam Á.

Luôn đặt ra những ước mơ, chính lúc thành công nhất về chế biến xuất khẩu cà phê hạt cũng là lúc bà Lượng thấy cần phải tạo bước đột phá mới nâng giá trị cho cà phê của Lào, đó là hướng đến chế biến cà phê rang xay, hoà tan và cà phê 3 trong 1. Bà xây dựng một thương hiệu cà phê của Lào – Dao Coffee – có thể đưa ra thị trường khu vực và thế giới. Bà không phủ nhận ước mơ đó quá lớn, nhưng khẳng định sẽ thực hiện được nếu như tuân thủ ngay từ đầu tiêu chí "sản xuất cà phê thật và sạch".

Năm 2011, bà Lượng xây dựng nhà máy rộng 6,5ha sản xuất cà phê hoà tan, cà phê 3 trong 1, trang bị máy móc của châu Âu và Nhật, quản lý theo tiêu chuẩn ISO. Với định hướng chiếm lĩnh thị trường Lào và khoảng 80 – 85% sản lượng sẽ xuất khẩu nên bà Lượng luôn nhắc nhở chỉ sử dụng hạt cà phê tốt để chế biến, không pha trộn, không sử dụng hương liệu công nghiệp.

Nhà máy cà phê hoà tan, cà phê 3 trong 1 hoạt động mới tám tháng nhưng thương hiệu Dao Coffee đã lan rộng khắp Lào, sản phẩm có mặt ở các chợ, siêu thị; chuỗi quán cà phê Dao được yêu thích. 

Dao Heuang đứng trong tốp doanh nghiệp lớn của Lào và dẫn đầu ở Nam Lào. 

Theo SGTT

29/7/13

Tiếng Anh khó hay tiếng Việt khó

Ông lão chầm chậm bắt đầu kể:
       Ta chơi khá thân với một người bạn già người Anh tên là Anthony, mà ta gọi thân thiện là Tony. Ông ta là người gốc London nhưng lại thích Hà Nội hơn nên đã sống ở Việt Nam được hơn 15 năm rồi và nói tiếng Việt cũng chẳng khác chúng ta tí nào. Ông ta cũng có thể ngồi vỉa hè ăn bún đậu mắm tôm như người Việt, và cũng tếu táo với các trò chơi chữ như những người Việt hay chữ vậy. 
         Ta nhớ có lần Tony thấy ta đang lúng túng trong một tình huống rất khó xử, ông ta nhìn ta và nói: "Ông bạn già ơi, bây giờ thì cái khó sẽ bó cái khôn hay cái khó ló cái khôn đây?". Ta giật mình cười và thầm phục khả năng dùng tiếng Việt uyên thâm của Tony. 
          Chưa hết, Tony còn đố mấy cô lễ tân khách sạn mà ta cùng Tony ở khi đi du lịch rằng: "Đố các cô gái nhé, một đống chuột chù mà bơi qua sông thì hỏi có mấy con?". Các cô lễ tân đang nghĩ sao ông già người Anh này đố hâm thế, một đống chuột chù thì biết có bao nhiêu con mà hỏi. Các cô gái đang định nói là không biết thì ông ta phá lên cười to và giải thích: "các cháu không biết ta chơi chữ à, một đống chuột chù nói ngược lại là một chú chuột đồng, như vậy là chỉ có một con chuột bơi qua sông thôi chứ". Nói câu chuyện này ra để thấy rằng Tony am hiểu và sử dụng tiếng Việt thành thạo đến thế nào.
Tiếng Việt khó quá
Và một lần ta đã thắc mắc với Tony về sự phức tạp của tiếng Anh rằng các nguyên tắc ngữ pháp của tiếng Anh quá rối rắm, và đôi khi là thừa. Ví dụ như: "I will come to see you tomorrow". Bản thân chữ tomorrow là ngày mai, tức là nói chuyện tương lai rồi, mà còn phải cho thêm cả chữ will để chỉ thêm về tương lai cho nó thừa ra làm gì cơ chứ. Rồi động từ thì vừa theo quy tắc, vừa bất quy tắc, làm khổ chúng tôi học thuộc hơn 400 động từ bất quy tắc của các vị rồi khi dùng vẫn nhầm lung tung. 
Đó là còn chưa kể việc thêm số nhiều vào danh từ nữa chứ. Đã đành các ông muốn phân biệt một và từ hai trở lên bằng cách thêm chữ “s” vào sau các danh từ cũng đã đủ làm chúng tôi nhầm khổ sở khi nói rồi, nhưng cứ thế hẳn đi đã đành, ai lại một bàn chân thì nói là “a foot” nhưng hai bàn chân thì nói là “feet”, rồi một đứa bé thì là “a child” mà hai đứa trở lên thì lại là “children” mới khổ người ta không. 
Mà một đàn con gì đó các ông cứ nói là “a group of” tất cả cho rồi ví dụ như một đàn ếch các ông nói là “a group of frogs”, thế nhưng sang con cá hay con sư tử thì lại thành “a school of fish” và “a pride of lions” và đàn chó là “a pack of dogs”, mà trong đàn thì các con cá là số nhiều các ông lại không nói là “a school of fishes” trong khi đó đàn chó hay đàn sư tử thì các ông lại thêm số nhiều vào chữ “dogs” và chữ “lions”… Như thế thì ai theo nổi tiếng Anh của các ông đây.

      Tony liền nói lại với ta bằng tiếng Việt rằng: "Ông cứ thắc mắc vậy chứ tiếng Việt của các ông mới làm tôi chóng hết mặt không thể theo kịp. Nếu trong tiếng Anh của tôi chỉ có một từ I để chỉ tôi, hay một từ YOU để chỉ người đối thoại, thì trong tiếng Việt của ông không biết thế nào mà tả những từ có cùng nghĩa với chữ I nữa: tôi, ta, con, bố, mẹ, ông, bà, cô, cậu… đều có thể có nghĩa là tôi như chữ I, đó là theo ngôi thứ, còn theo thái độ thì tôi thua luôn… vì không biết khi nào thì nên nói là tôi, khi nào nên nói là: ta, tao, đằng này, thằng này, con này, ông mày, tớ, thầy mày… rồi lại còn biến đổi theo từng vùng miền thì còn biến đổi nữa mới khổ chứ. Tóm lại tôi chẳng thể nào biết được các nguyên tắc tự xưng của tiếng Việt các ông cả, mỗi cảm xúc thì nói một kiểu. 
      Mà tiếng Anh của tôi thì chỉ có chữ black để chỉ màu đen, nhưng trong tiếng Việt thì tôi tin chính ông cũng chẳng liệt kê hết các từ chỉ màu đen ý chứ. Ví dụ nhé, con chó đen các ông gọi là chó mực, tóc đen là tóc huyền, mèo đen là mèo mun, ngựa đen là ngựa ô… rồi chưa kể màu đen có thể nói là: hắc, thâm… như các chữ hắc hải (biển đen) hay áo thâm (áo đen)… 
       Đó là về từ vựng, chứ về văn phạm thì chỉ có người Việt mới hiểu nhau được, chứ người học tiếng Việt như chúng tôi đều lấy làm sợ khi học. Ví dụ nhé: thắng và bại là hai từ ngược nghĩa phải không? Ấy thế mà các ông khối lần dùng nó như là những từ đồng nghĩa đấy, ví dụ như: võ sĩ A đánh thắng võ sỹ B, và võ sỹ A đánh bại võ sỹ B chẳng hạn. Rõ ràng là cùng nghĩa nhé. 
      Bại và thua tuy đồng nghĩa nhưng lại thành trái nghĩa đấy, ông thử nói: Võ sỹ A đánh thua võ sỹ B và câu võ sỹ A đánh bại võ sỹ B xem, có đúng là trái nghĩa nhau không nào… rồi còn áo ấmáo rét nữa chứ, hóa ra hai từ này đồng nghĩa trong khi ấm và rét trái nghĩa nhau hẳn. Rồi chưa kể các ông kéo cả tiếng Hán Nôm vào tiếng Việt trong khi tiếng Việt vẫn diễn tả được hết mà lại ít dùng. Ví dụ như vững như bàn thạch, sao các ông lại không chịu nói vững như bàn đá đi có được không; hay công viên sao không nói là vườn chung, vì viên là vườn đấy thôi, và công là của chung dành cho mọi người là gì…

Ta không chịu và tiếp tục lý luận: "Tiếng Anh của ông động từ là động từ cho nó rồi, ví dụ như go là đi, thì lại còn cho thêm giới từ vào sau đó tạo ra nghĩa khác hẳn đi, rất khó nhớ và lạ lẫm đối với người học tiếng Anh". Ví dụ như go off thì có nghĩa là phát nổ, còn go ahead thì lại không mang nghĩa đi về phía trước tí nào, mà lại là cậu nói đi… Chữ Look là nhìn, và out là ra bên ngoài, nhưng look out thì chả có nghĩa là nhìn ra ngoài tí nào, mà lại là nhắc người khác coi chừng, cẩn thận… mà nếu viết liền chữ look-out thì lại có nghĩa là lính canh hoặc chòi canh gác mới kỳ lạ chứ. Rõ ràng chữ watch là xem, nhưng câu watch your mouth thì lại có nghĩa là cẩn thận cái miệng đấy. Hay chữ skirt rõ ràng nghĩa là cái váy, vậy mà out-skirt lại nghĩa là ngoại thành, nhưng nội thành mà suy luận theo để nói là in-skirt thì các ông lại cười lăn ra… Rồi chữ odd rõ ràng nghĩa là số lẻ, chữ ball nghĩa là quả bóng, vậy mà odd-ball lại là người đàn ông lập dị.

Tony lập tức tiếp lời rằng: Đồng ý rằng tiếng Anh có nhiều cách diễn đạt lạ như thế, nhưng không thể so với những biến thể tiếng Việt còn khó theo hơn nhiều lần. Ví dụ như một loạt những từ viết được, nói được nhưng lại vô nghĩa nếu đứng một mình như: ịch, tiêng, hỉnh, xắn… nhưng khi ghép vào từ khác thì chúng lại có nghĩa như ục ịch, tiêng tiếc, hóm hỉnh, xinh xắn… Rồi một loạt các chữ mà ngay người Việt cũng chẳng chịu phân biệt rạch ròi như dạy học hay dậy học, đôi giày hay đôi giầy… 
      Đó là chưa kể tiếng Việt có tới 5 dấu: hỏi (?), sắc (´), huyền (`), nặng (.), ngã (~) và 6 thanh điệu được tạo bởi 5 dấu này cộng thanh ngang… Việc đưa dấu thanh điệu vào câu nói đúng là ác mộng với người học tiếng Việt, vì chúng tôi không có dấu trong tiếng Anh và gần như không thể phân biệt được dấu. Ví dụ như cậu bạn người Mỹ của tôi đã mắc lỗi khi về quê Việt Nam hỏi vợ, cậu ấy nói một câu tiếng Việt là "Con muốn làm con dê cụ." khiến cả nhà cười lăn ra… Vì anh chàng đó cũng như tôi, gần như không thể nói rõ dấu hỏi trong tiếng Việt như chữ con dể được, mà sẽ nói không có dấu thành con dê mà thôi. Mỗi khi thêm dấu, nghĩa của từ khác nhau hoàn toàn. 
     Mà đó mới chỉ là một từ vựng nhé, chưa kể việc từ vựng tiếng Việt mà ghép vào với nhau thì không thể lường nổi về nghĩa nữa. Ví dụ như chữ ăn có nghĩa là cho thức ăn vào cơ thể qua miệng chứ gì? Nhưng ghép với từ khác thì có vẻ như nó không có nghĩa đó tí nào cả. Ví dụ như ăn đòn, ăn chơi, ăn ở, ăn tiền, ăn cắp, ăn cướp, ăn vạ, ăn năn, ăn chia… Quả thực quá phong phú về nghĩa và cách ghép, nếu đem so sánh với các ngữ động từ của tiếng Anh hay các từ ghép thì chúng tôi không so được. 
Mà ngay cả các tính từ trong tiếng Việt cũng có thể ghép khôn lường về nghĩa, mà tiếng Anh của chúng tôi thì không nhiều đến như thế. Ví dụ như miêu tả màu trắng thì tiếng Anh có chữ white, hay nếu có ý nói là sáng thì sẽ là bright, nhưng tiếng Việt thì vô vàng cách mô tả màu trắng như: trắng trẻo, trắng tinh, trắng muốt, trắng xóa, trắng hếu, trắng ởn, trắng bệch, trắng nõn… mà thêm một từ trắng nữa vào thì lại chẳng trắng hơn mà lại có vẻ như giảm độ trắng đi như từ trắng trắng… hay ghép nhầm với từ khác thì chả có nghĩa là trắng tí nào, như từ trắng trợn chẳng hạn, có còn nghĩa là trắng nữa đâu?

Nghe ông bạn Tony phân tích một hồi, ta ngẫm ra đúng là tiếng Việt mình khó thật. Sống gần hết đời người mà chưa chắc đã biết hết tiếng Việt nữa. Dù sao ngôn ngữ sinh ra là để phản ánh đời sống và lao động của một cộng đồng con người trong suốt chiều dài lịch sử, mà dân tộc mình có tới 4000 năm lịch sử dựng nước, lao động, bảo vệ đất nước và phát triển đất nước thì quả thực là ngôn ngữ không phong phú mới là lạ. 

Tony mới chỉ biết có đến thế, chứ làm sao biết được thái độ của người Việt trong từng câu nói, cùng là một nội dung nói đấy, nhưng như các cụ đã có câu ý tại ngôn ngoại tức là ý ở ngoài lời, nếu mà giọng nói và cách nhấn giọng khác nhau thì ý nghĩa của câu nói thay đổi hoàn toàn ý chứ. Ví dụ câu: tôi yêu cô ấy nếu nói bình thường thì không sao, chứ nhấn vào chữ yêu và kéo thật dài ra trong khi nói thì chưa biết chừng người nói lại có ý chê bôi và bài xích chứ chẳng yêu thương gì… Mà trong tiếng Anh thì lời nói thế nào ý nghĩa thế ấy, dù người nói có nhấn thêm từ này hay từ khác thế nào đi chăng nữa thì nghĩa của câu vẫn gần như giữ nguyên nghĩa của những từ vựng trong câu…Từ sau câu chuyện tình cờ và vui vẻ đó, ta chợt nhận ra người Việt mình đang làm chủ một ngôn ngữ rất khó, rất giàu có, phong phú và phức tạp, trong khi tiếng Anh không hẳn đã khó như vậy. Ta tự nghĩ tiếng Anh làm cho ta thấy khó học là vì cách nghĩ và tư duy ngôn ngữ của họ và ta khác nhau quá xa, chứ xét riêng về độ phong phú và sự phức tạp về ngữ nghĩa trong từng câu nói, quả là không so được với tiếng Việt.

28/7/13

Đi xe hơi ăn cơm với muối ớt

Lương của tôi vào khoảng 100 triệu đồng/tháng và tôi đã có xe 4 bánh. Nhưng tôi vẫn dùng đồng hồ đeo tay nhảy số, mỗi khi đứt dây, tôi dùng keo dán sắt gắn lại…

Lương của tôi cũng vào khoảng 100 triệu đồng/tháng và tôi cũng có luôn 4 bánh. Nhưng tôi vẫn dùng đồng hồ đeo tay nhảy số, mỗi khi đứt dây, tôi dùng keo dán sắt gắn lại.

Tôi không biết nấu ăn nên những hôm vợ tôi không chuẩn bị được bữa sáng vì bận con nhỏ, tôi vẫn vui vẻ ăn cơm với chao, muối ớt để đi làm.

Buổi trưa tôi mang theo 3 trái táo, 1 trái chuối, 1 bình cà phê vợ pha sẵn, chiều về ăn cơm cùng vợ con. Dĩ nhiên cũng đôi lúc tôi ra ngoài ăn sáng, ăn trưa nhưng không thường xuyên.

Tôi vẫn giữ thói quen mua quần áo ở chợ đêm, điện thoại tôi đang dùng chỉ cơ bản nghe gọi. Tôi không rõ mình đang chi cho bản thân tiền ăn bao nhiêu mỗi tháng nhưng tôi chắc chắn một điều là tiền tôi ăn uống ít hơn 3 triệu đồng rất nhiều.

Đọc đến đây một số bạn sẽ cho tôi sống keo kiệt. Tôi xin thưa với các bạn là không. Mỗi tháng số tiền tôi biếu ông bà, cha mẹ đủ để mua được một cái iPhone đấy. Đám cưới em, tôi sẵn sàng “đi” vài chục triệu đồng. Cha mẹ, ông bà bệnh, tôi luôn là người đi đầu trong khoản chi, từ chi công khai cho đến chi âm thầm, vì tôi là anh cả.

Một số bạn sẽ cho rằng tôi là người không biết gì về công nghệ, cục mịch. Tôi cũng xin nói luôn, tôi là dân công nghệ thông tin, có thể lập trình giỏi trên cả 3 nền tảng: điện thoại, trên software và hiện tại trên hardware (embedded).

Một số bạn sẽ cho tôi chẳng có mối quan hệ nào cả. Vậy tôi cũng xin chia sẻ câu chuyện này với các bạn luôn. Tôi khởi đầu với mức lương tầm 2,2 triệu đồng/tháng. Lúc đó, tôi mới ra trường, đi làm có chút đỉnh lương cộng với tư tưởng đi học bao nhiêu năm, giờ xả hơi, tôi cũng đàn đúm vui chơi cà phê cà pháo suốt ngày với bạn bè nên cũng nhiều mối quan hệ, tốt cũng có, phức tạp cũng có.

Kết quả của những mối quan hệ rộng đó sau hơn 2 năm làm việc, lương tôi chỉ lên được 2,8 triệu đồng/tháng. Trải qua những biến cố sức khỏe, cuộc sống, tôi nhận ra rằng: gia đình, người thân mới là quan trọng nhất. Từ đó tôi đã đổi suy nghĩ, tập trung cho gia đình, anh em, tập trung chuyên môn và công việc.

Kết quả sau 7 năm tôi đã sở hữu một chiếc ôtô, nhà, 2 đứa con. Suốt 7 năm đó tôi chẳng hề ghé đến quán nhậu một lần (trừ những lúc vào nhà hàng dự đám cưới bạn bè, hoặc tiệc tùng do gia đình tổ chức). Còn quán cà phê thì không quá số ngón trên đầu bàn tay.

Chẳng có và cũng chẳng cần một mối quan hệ nào trong 7 năm qua cả, trừ mối quan hệ anh em, gia đình và một vài anh em trong công ty. Ngay cả lúc đi thi lấy bằng lái xe ô tô, các anh em cùng lớp bảo đóng góp chút đỉnh lúc chạy thực tế (thi lý thuyết, thi thực hành và chạy thực tế khoảng 1 km), mỗi người đóng 300.000 đồng, tôi cũng lấy lý do không biết trước nên không mang theo tiền.

Thế là suốt cả khóa học tôi chỉ mất đúng tiền học phí và thuê xe chạy thử, không hề dắt thầy đi nhậu như một số bạn cùng lớp đã làm. Cuối cùng tôi vẫn có bằng B2 chỉ với một lần thi duy nhất.

Dĩ nhiên cũng có chút hậu quả là các đợt thi của tôi bị dời hết lần này đến lần khác, gần cả năm sau tôi mới được thi. Nhưng với tôi thời điểm đó không quan trọng, không gấp. Vì công ty cũ nơi tôi làm việc cũng tổ chức đi chơi 1 năm 2 lần, miễn phí.

Nói là đi chơi miễn phí nhưng 7 năm qua tôi cũng chưa tham gia bao giờ. Ngay cả lúc tôi đã là sếp, bị sếp lớn hơn trực tiếp nhắc khéo nên tham gia, tôi cũng thoái thác… Bởi các ngày lễ lớn, tôi tranh thủ đưa vợ con về quê chơi hoặc ở lại thành phố sang chơi với ông bà. Như vậy, các bạn sẽ cho rằng tôi không biết hưởng thụ, thật ra tôi đang hưởng thụ đấy các bạn ạ.

Tôi thấy có nhiều bạn 2-3 tháng lương mới mua đủ 1 cái iPhone, nhưng các bạn vẫn cố vay mượn để mua. Rồi sau đó là gánh nặng đè trên vai càng thêm nặng. Như vậy mà gọi là biết hưởng thụ sao? Còn tôi mỗi tháng có thể mua được hơn chục cái iPhone nhưng tôi dành phần lớn cho gia đình, làm cho gia đình tôi vui vẻ (cha mẹ, anh em, ông bà, con cái). Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, như vậy là tôi đang hưởng thụ đấy chứ.

Tôi có rất nhiều khoản chi hàng tháng như: điện nước, xăng dầu, nhớt, xe cộ (tôi đi làm bằng ô tô), đám tiệc, con cái, cha mẹ, ông bà... Nên tôi không nói tổng chi phí 1 tháng chỉ 3 triệu đồng. Nhưng những khoảng chi dành riêng cho bản thân tôi hay để “nâng cấp” bản thân mình thì rất thấp, vì tôi vẫn giữ lại nhiều thói quan của sinh viên ngày nào.

Tôi thấy có nhiều bạn trẻ, cha mẹ nghèo khó, làm lương ba cọc ba đồng nhưng các bạn ấy không bỏ lỡ những phim hay nào ở rạp, trên tay thì iPhone 4-5.

Quyền sống sao là của mỗi người, miễn sao không phạm pháp. Nhưng theo tôi dùng cái quyền đó xem sao cho được lại là một chuyện khác các bạn ạ. Có bạn sẽ cho rằng sống không tiêu xài làm cho đất nước nghèo, các bạn lo xa quá.

Xã hội có cách vận chuyển để phát triển của riêng nó. Một đất nước không phát triển công nghiệp thì phát triển nông nghiệp, không phát triển du lịch thì sẽ phát triển các dịch vụ khác.

Nếu các bạn là người làm ăn lớn thì các bạn cần có mối quan hệ rộng là đúng. Còn nếu các bạn giống như tôi 10 năm trước, là sinh viên nghèo mới ra trường, tôi khuyên các bạn phải tự tin khả năng của mình, cố gắng trong công việc, đừng bê tha nhậu nhẹt, cà phê cà pháo rồi bào chữa cho rằng ra đường phải cần mối quan hệ.

Bản lĩnh của một người là làm cho gia đình mình hạnh phúc, chứ bản lĩnh không phải chỉ đơn giản là cái iPhone, những bộ quần áo hàng hiệu hay những cái gì đó để bằng chị bằng em đâu các bạn ạ.

Thanh Hiếu (Vnexpress.net)

26/7/13

18/7/13

Giấc mơ McDonald's của doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng

McDonald's sẽ có mặt ở Việt Nam vào quý I/2014. Ảnh: Rapgenius

Nung nấu ý định đưa McDonald's về Việt Nam từ 10 năm nay, Nguyễn Bảo Hoàng mở công ty riêng, thường xuyên liên lạc với đối tác và dự kiến khai trương cửa hàng đầu tiên vào quý I năm sau tại TP HCM.

Từ thủ phủ tại bang Illinois (Mỹ), Tập đoàn bán đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald's tuần qua đã công bố sẽ gia nhập thị trường thức ăn nhanh Việt Nam qua việc nhượng quyền thương hiệu cho doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng, hay còn gọi là Henry Nguyễn.

Thông tin McDonald's sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam râm ran từ gần một năm nay, tuy nhiên, việc ông Nguyễn Bảo Hoàng được chọn làm đối tác đã gây bất ngờ bở ngoài lý lịch là một Việt kiều từ Mỹ về nước làm ăn, ông được biết tới chủ yếu với chức danh Tổng giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG (IDG Ventures) trị giá hơn 100 triệu USD, chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ như Tencent, Baidu, Sina (Trung Quốc) hay VNG, VC Corp, Peacesoft (Việt Nam)...

Trao đổi với VnExpress.net, bà Đường Thu Hương, Giám đốc đối ngoại của IDG Ventures xác nhận việc hợp tác với McDonald là "một thương vụ cá nhân" của ông Nguyễn Bảo Hoàng, không liên quan gì đến IDG Ventures. Như vậy, có thể thấy chính vị Tổng giám đốc này đã tự thử sức trong một lĩnh vực mới.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Bảo Hoàng cũng bày tỏ đã nung nấu ước mơ đưa McDonald's về Việt Nam từ chục năm nay. "Từ bé đến nay, tôi vẫn luôn là người hâm mộ của McDonald’s, đó cũng là nơi tôi từng làm việc khi ở tuổi vị thành niên. Từ khi trở về Việt Nam hơn 10 năm trước, tôi luôn mơ ước một ngày nào đó có thể đưa McDonald’s đến với quê hương mình", ông nói.

Năm 2012, công ty Good Day Hospitality hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống được ông lập ra. Cũng có nhiều ý kiến hoài nghi với một công ty còn "non" về kinh nghiệm và ít tên tuổi trên thị trường thì Nguyễn Bảo Hoàng dựa vào đâu để được lãnh đạo tập đoàn quốc tế như McDonald chọn làm đối tác.

Ông Liam Jeory - Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ đối ngoại của McDonald's tại châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi cho hay quy trình cấp phép nhượng quyền thương hiệu đã được quy chuẩn chung trên toàn thế giới. Người được chọn sẽ phải là doanh nhân chứng minh được khả năng huy động vốn, hợp tác để cùng nhau tạo thành một đội có hiệu suất hàng đầu và đưa công việc kinh doanh của McDonald's ngày càng phát triển.

12/7/13

Những câu nói của NGUYỄN TƯỜNG NHẬT

1. NẾU BẠN CHO TÔI ĐỊNH NGHĨA VỀ MA VÀ MỘT SỐ TIỀN ĐỦ LỚN, TÔI SẼ TẠO CHO BẠN MỘT CON MA.

2. HÃY HIỂU TIẾNG ANH THEO CÁCH MÀ HỌ DIỄN ĐẠT, ĐỪNG HIỂU TIẾNG ANH THEO CÁCH CỦA CHÚNG TA.

a) Người Anh không phân biệt giới tính, tuổi tác trong xưng hô:
VD:            Dad, can you give me a cup?
Nghĩa là:     Cha, mày có thể đưa cho tao cái cốc?
        Người Anh không có đại từ xưng hô "cha", họ chỉ có "i - you". Do đó, nếu dịch đúng nghĩa thì phải là "tao - mày" hoặc "ta - ngươi". Chúng ta phải hiểu như vậy thì ta mới thấy được rằng người Anh "mất dạy" như thế nào và đó chính là bản chất của họ, là thứ khiến họ dễ dàng tiến đến sự công bằng trong xã hội. Đối với họ, không có người lớn, người nhỏ; không phân biệt người già, người trẻ. Đối với họ, bất luận người đối diện là ai, dù lớn hay nhỏ, dù già hay trẻ, dù giàu hay nghèo, có chức vụ hay không thì cũng chỉ là "YOU" thôi.

b) Người Anh cảm nhận tính chất của sự vật trước còn người Việt Nam nhìn nhận sự vật trước:
VD1:
       Một anh chàng đang ngồi trong công viên, một cô gái đẹp đi qua.
Người Anh: Wow, a beautiful girl.
Người Việt: Wow, một cô gái đẹp.
Người Anh chú ý đến tính chất (beautiful) trước khi tới cô gái. Còn người Việt chú ý đến sự vật (cô gái) trước tính chất.
Người Anh (hay nhiều nước khác) luôn luôn quan tâm đến "cái đó" như thế nào (tính chất), Còn người Việt thì chú ý đến "cái đó là cái gì" rồi mới quan tâm đến tính chất.
Nếu chúng ta dịch: "a beautiful girl" = "một cô gái đẹp" thì chúng ta đã dịch sai, vì người Việt chúng ta nhìn nhận sự vật (cô gái) như vậy chứ người Anh thì khác. Trong đầu người Anh họ nghĩ như thế này: "Một đẹp cô gái".
VD2:   Một cặp tình nhân đang ngồi trong công viên. Một cô gái xinh đẹp dẫn một con chó đi ngang.
Nàng: a beautiful
Chàng: Do you think so? She's really beautiful.
Nàng: a beautiful ...... dog.
(Chúng ta sẽ dịch như thế nào?)

c) Tiếng Anh có những từ thuộc nhiều loại từ loại khác nhau.
VD:
có từ vừa là nội động từ, vừa là ngoại động từ.
có từ vừa là danh từ, vừa là động từ, vừa là tính từ.

26/6/13

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: Kinh tế đang chuyển biến theo hướng tốt dần lên

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, vẫn còn tiền ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, phải rất cố gắng GDP mới đạt được mục tiêu 5,5%.

Thứ trưởng Cao Viết Sinh.
Thông tin trên do ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong bài phỏng vấn đăng trên Vneconomy ngày 26/6.

Hành trình nửa năm đã qua đầy khó khăn của nền kinh tế và đến lúc này, các tín hiệu lạc quan liệu đã nhiều hơn, thưa ông?

Nhìn chung, tôi cho rằng tình hình đang chuyển biến theo xu hướng tốt dần lên.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng tương đương với mức tăng cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định; các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh dần phát huy tác dụng.

Vì thế, chỉ số hàng tồn kho đang giảm dần, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng dần qua từng tháng.

Số doanh nghiệp đăng ký mới bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong các tháng gần đây, ước tăng khoảng gần 8% trong 6 tháng đầu năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn ODA đạt khá...

Chính phủ luôn coi trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong điều hành kinh tế - xã hội. Vậy theo ông, trong 6 tháng đầu năm, đây có được coi là điểm sáng rõ nhất?

Chính phủ luôn xác định quyết tâm là kinh tế càng khó khăn thì càng phải quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực không chỉ trong 6 tháng qua mà là trong nhiều năm nay, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Như chính sách đối với người có công, đã trợ cấp thường xuyên cho trên 1,5 triệu người; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gần 1,9 triệu người trong dịp Tết Quý Tỵ. Đến nay, trên 98% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Trong 6 tháng, kinh phí thăm hỏi tặng quà từ ngân sách trung ương là 393,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa là trên 800 tỷ đồng. Đã xuất cấp không thu tiền gần 40 nghìn tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt vừa qua. Triển khai chính sách tín dụng lãi suất thấp cho hộ cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo lên 100%...

Về các chỉ tiêu lớn của năm 2013, theo ông, chúng ta liệu có cán đích thành công?

Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn rất nhiều khó khăn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Thị trường bất động sản vẫn rất trầm lắng. Tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp...

Trong diễn biến như vậy, sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.

Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế.

Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào triển vọng đầu tư, kinh doanh.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần được tháo gỡ để từng bước phục hồi. Theo tôi, phải rất cố gắng thì GDP cả năm mới có thể đạt mục tiêu 5,5%.

Tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế liệu có làm tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chậm lại, thưa ông?


Chúng ta cũng biết là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị đẩy mạnh việc triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế với những lộ trình rất cụ thể đối với từng bộ, ngành và từng lĩnh vực, trong đó có nhấn mạnh đến các nội dung như trong quý 2/2013, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tôi cho rằng

Chính phủ đã thể hiện được quyết tâm không để tiến trình này chậm trễ thêm. 
Nguồn Vneconomy

22/6/13

Ngành dược thu hút nhà đầu tư Nhật

Nhiều doanh nghiệp Nhật có ý định rót vốn vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới, khi chi phí cho thuốc men của người dân ngày càng tăng cao qua các năm.

Ông Osamu Igarashi, Cố vấn trưởng của Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản trao đổi với VnExpress.net về tiềm năng của ngành dược phẩm ở Việt Nam và định hướng đầu tư vào lĩnh vực này tại đây trong thời gian tới.

- Ông đánh giá như thế nào về ngành dược phẩm ở Việt Nam?

- Doanh nghiệp dược phẩm của Nhật hiện tham gia vào thị trường Việt Nam chủ yếu ở dạng thuốc generic, được hiểu là thuốc tương đương sinh học với các thuốc sáng chế. Đối với các loại thuốc được kê toa theo đơn thì doanh nghiệp Nhật chưa tham gia. Nhưng theo quan điểm của tôi, trong tương lai họ sẽ thâm nhập vào thị trường này mạnh hơn, bởi ngành dược phẩm còn nhiều tiềm năng phát triển.

Việc đầu tư theo hình thức liên doanh hay 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp Nhật có xu hướng đầu theo dạng trực tiếp đổ vốn vào Việt Nam, vì điều này sẽ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hơn.

- Có ý kiến cho rằng điểm hấp dẫn của ngành dược là doanh nghiệp có cơ hội trục lợi trên giá thuốc nên khả năng sinh lời lớn? Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo tôi, điều này có thể kiểm soát được, thông qua các chế tài xử phạt. Tiền phạt có thể được tính bằng cách áp dụng theo tỷ lệ với doanh thu của hàng hóa hay dịch vụ. Tuy nhiên, chúng tôi còn có chính sách khoan dung, trong đó các khoản phạt được miễn trừ hoặc giảm nhẹ với điều kiện các doanh nghiệp có dính líu phải tự nguyện khai báo với cơ quan quản lý.

Mai Phương (Trích từ vnexpress.net)

18/6/13

Cà phê Starbucks pha từ nước toilet

Dù đã giải thích loại nước này còn được đưa qua hệ thống lọc để đảm bảo tiêu chuẩn thế giới, cửa hàng Starbucks Hong Kong vẫn khiến thực khách tức giận và phải tạm dùng nước chưng cất thay thế.

Các khách hàng thượng lưu tại Hong Kong (Trung Quốc) đang rất tức giận khi biết một cửa hàng Starbucks tại đây sử dụng nước từ nhà vệ sinh gần đó để pha cà phê. Cửa hàng nằm trong tòa tháp Bank of China nổi tiếng và việc này đã bắt đầu từ khi họ mở cửa tháng 10/2011.

Theo các bức ảnh đăng trên tạp chí Apple Daily, vòi nước này treo biển "Chỉ dùng cho Starbucks" và cách chỗ vệ sinh khoảng một mét trong căn phòng cáu bẩn, mà theo họ là thuộc khu để ôtô của tòa nhà.

Một khách hàng giận dữ viết trên trang mạng cá nhân rằng: "Starbucks, các anh cần phải tuyên bố rõ ràng việc này sẽ không được phép lặp lại nữa. Và sa thải tất cả những kẻ ngớ ngẩn cho rằng có thể dùng loại nước đó pha cà phê".

Đại diện cửa hàng cũng ra thông báo xin lỗi. Trong đó viết: "Nước được sử dụng trong cửa hàng là nước uống và đã được kiểm định. Đây chỉ là hiểu nhầm mà thôi. Chất lượng và an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của Starbucks. Chúng tôi đang sử dụng nước chưng cất để phục vụ khách hàng trong khi làm việc với các bên liên quan để giải quyết vấn đề này".

Người phát ngôn của Starbucks – bà Wendy Pang cũng cho biết nước lấy từ vòi đã được đưa qua một hệ thống lọc để đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn của Hong Kong và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Dù vậy, Benjamin Cowling - Giáo sư Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Hong Kong cho biết kể cả như vậy, các mầm bệnh trong nhà vệ sinh sẽ vẫn tồn tại ở khu vực chế biến thức ăn của Starbucks. Ông nói: "Tôi sẽ không bao giờ đến cửa hàng này nếu biết họ có quy trình vệ sinh đầy rủi ro như vậy".

Thùy Linh (theo USA Today)

13/6/13

Myanmar - Chiến trường mới của các đại gia?

Sau 60 năm ngủ vùi, thị trường Myanmar mở cửa và bỗng chốc trở thành chiến địa của hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới.

Chỉ mở cửa chưa đầy 2 năm, song hàng loạt công ty quốc tế lớn đã nhanh chân đứng chờ Myanmar mở cửa và cắm sẵn cho mình một lá cờ trên mảnh đất màu mỡ chưa ai khai phá này. Điều này cho thấy Myanmar, với dân số hơn 60 triệu người, thực sự là một "mỏ vàng" với các ông lớn. 

Tuy nhiên, dù lớn đến như vậy, song với số lượng ngày càng đông, các tập đoàn đến lúc phải tự đặt câu hỏi: "Liệu Myanmar có đủ lớn cho tất cả chúng ta?"

Có thể nói, các ông lớn đang đổ xô tới Myanmar không lạ gì nhau, bởi họ từng không ít lần đối đầu nhau ở các thị trường khác trên thế giới. Điều này cũng có nghĩa, họ đang phải đối đầu với những đối thủ cạnh tranh sừng sỏ nhất thế giới.

"Tình hình ở Myanmar lúc này cũng giống Trung Quốc cách đây 20 năm. Áp lực cạnh tranh ngày một gia tăng. Hiện tại những quốc gia như Myanmar không còn nhiều, do đó các công ty đa quốc gia phải nhanh chân tới đó trước tiên", hiệu trưởng trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu, ông Hellmut Schutte nhận định.

Mặc dù thị trường thẻ tín dụng ở Myanmar rất lớn và tiềm năng do đa số người dân nước này chưa có cơ hội sở hữu thẻ tín dụng, song khi cả 2 ông lớn MasterCarrd và Visa cùng nhảy vào hòng chiếm lĩnh thị trường, thì cuộc cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt, chủ tịch MasterCard khu vực Đông Nam Á Matthew Driver cho biết.

Một trận chiến khác cũng không kém phần khốc liệt là cuộc đối đầu giữa 2 ông lớn của làng giải khát thế giới, Coca-Cola và Pepsi. Tuần này, Coca-Cola tuyên bố đầu tư 200 triệu USD cho Myanmar trong thời gian 5 năm, và trở thành thương hiệu Mỹ đầu tiên bắt đầu sản xuất sản phẩm ngay tại địa phương. Coca-Cola thậm chí còn mời cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và nhiều ca sĩ địa phương tới tham dự sự kiện quảng bá của mình.

Mặc dù chưa sản xuất tại Myanmar, song Pepsi cũng nhanh tay hợp tác với một đối tác địa phương để phân phối sản phẩm.

Bên cạnh việc phải cạnh tranh lẫn nhau, các thương hiệu phương Tây khi đặt chân tới Myanmar cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu địa phương và một số thương hiệu đến từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Ngoài ra, hàng hóa tiêu dùng không phải là lĩnh vực duy nhất các công ty châu phải đối đầu nhau. Mới đây, 4 tập đoàn kế toán lớn là PricewaterhouseCoopers, Deloitte, Ernst & Young và KPMG cũng đổ xô tới Myanmar hòng chiếm lĩnh thị trường. Tất cả 4 tập đoàn này đều xây dựng sự hiện diện tại Myanmar, trong đó KPMG đã nhanh chân thiết lập một văn phòng ở Yangon hồi tháng 9 năm ngoái. Công ty hiện có tất cả 15 nhân viên, trong đó có 12 người là dân địa phương.

Hầu hết các giám đốc điều hành thừa nhận rằng mặc dù phải đối đầu với nhau, song sự tăng trưởng của kinh tế Myanmar trong thời gian dài sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, một loạt công ty công nghệ Mỹ như Google, Intel, HP, HPQ và Microsoft hay Cisco đã cùng nhau tới Myanmar trong một sứ mệnh chung hồi đầu năm nay. Tất cả đều chung ý tưởng hợp tác, bổ trợ lẫn nhau để phát triển ngành công nghệ thông tin lạc hậu của Myanmar và cùng nhau gặt hái lợi nhuận.

Chủ tịch Microsoft phụ trách các thị trường mới nổi Jamie Harper cũng lên tiếng ủng hộ việc các công ty công nghệ cùng nhau hợp tác để cùng hưởng lợi từ sự phát triển cơ sở hạ tầng thông tin ở Myanmar.

Tương tự, giám đốc điều hành của Visa và MasterCard cũng nhận định rằng sự phát triển của cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử ở Myanmar đều tạo ra cơ hội cho cả 2.
Nguồn WSJ/Dân Việt

8/6/13

Bầu Đức đổ 440 triệu USD vào Myanmar


TT - Sáng 5-6 tại TP Yangon (Myanmar), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã khởi công dự án xây dựng “Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center”.

Dự án nằm ở vị trí đắc địa nhất TP Yangon trên diện tích hơn 8ha với tổng vốn đầu tư lên đến 440 triệu USD.

Dự án chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện trong hai năm 2013-2014 gồm một trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê 27 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng lên đến gần 162.000m2; một khách sạn năm sao 480 phòng (23 tầng).

Giai đoạn 2 của dự án gồm bốn khối nhà cao 28 tầng với diện tích xây dựng gần 206.000m2, tương đương 1.800 căn hộ và một văn phòng cho thuê với tổng diện tích gần 64.000m2, dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - khẳng định với sự chủ động về phương tiện thi công, toàn bộ thiết bị máy móc phục vụ công trình đã được chuyển từ VN sang Yangon vào tháng 2-2013. Được biết, đây là dự án đầu tư có vốn nước ngoài lớn nhất vào Myanmar tính đến thời điểm hiện nay.
H.ĐĂNG (Nguồn: tuoitre.vn)

25/5/13

Người Việt Nam kinh doanh bánh mì trên đất Mỹ

Những tiệm bánh mì của người Việt ở khu Little Saigon, bang California, bán đủ loại bánh mì khác nhau và nhiều loại thực phẩm hấp dẫn khác.
Tiệm bánh Lee's Sandwiches. Ảnh: Người Việt.
Bánh mì thịt kiểu Việt Nam ngày càng trở nên quen thuộc và được ưa thích cả đối với người bản xứ, không phải gốc Việt. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi số tiệm bánh mì với đủ tên gọi ngày càng xuất hiện nhiều quanh khu vực Little Saigon và các vùng phụ cận, chưa tính đến sự nở rộ các tiệm bánh mì thịt Việt Nam tại những tiểu bang có người Việt sinh sống.

Tuy nhiên, không một nhà hàng quán ăn nào “dám chuyên trị" duy nhất một món bánh mì như vậy. Bước chân vào một tiệm bánh, người ta có thể mua thêm được vô số mặt hàng, đôi khi không dính dáng chút gì đến bánh mì.

Tiệm bánh mì không chỉ có bánh mì

Ngày nay, bước chân vào một tiệm bánh mì, người ta có cảm tưởng như mình bước vào một ngôi chợ thu nhỏ chuyên bán hàng ăn, bởi có rất nhiều món cho họ lựa chọn.

Vào Tip Top Baguette, ngoài bánh mì, pate chaud, khách còn có thể mua được cả cà ri gà, cà ri dê, bò kho, thậm chí cả ngô nếp nóng với giá 1.25 USD/bắp ngô. Cũng tại đây, củ kiệu, dưa món, kim chi, nước tương,... cũng được bày bán để người mua khi cần không phải mất thêm thời di chuyển đi nơi khác.

Có người vào Top Baguette chỉ để mua chả giò rế hay bánh nếp. Ông Moca, chủ nhân của tiệm bánh mì có cách trang trí, bày biện sang trọng này xác nhận: “Chả giò là món đang bán chạy nhất của tiệm, hơn cả bánh mì nữa. Có ngày chả giò không kịp cuốn để bán”.

Mặc dù phương châm của Lee's Sandwiches là “cái gì chuyên biệt thì cũng hay hơn, đặc biệt khi mình bước vào dòng chính thì mình càng phải độc đáo, bánh mì là bánh mì, cà phê là cà phê”, nhưng ngày nay khi bước vào các tiệm Lee's Sandwiches, người ta vẫn có thể mua thêm chả giò, cánh gà, gỏi cuốn, lạp xưởng, nước tương Maggi, bơ Pháp, bên cạnh nhiều loại bánh ngọt và chè khác.

“Đó là theo nhu cầu của khách, nhưng bánh mì vẫn là chính, còn lại là bánh ngọt chứ không đi lạc ra ngoài như bún, phở”, bà Yến Quách giải thích.

Với Tân Hoàng Hương thì khởi đầu cũng là tiệm cà phê bánh mì và food-to-go (đồ ăn mang đi), nhưng “đến giờ tôi cũng không biết có bao nhiêu món được bán tại tiệm nữa, vì mỗi ngày cứ mỗi thêm món ăn vô, nào là bánh mì ngọt, rồi xôi bắp, bánh cay, bánh tôm, bánh đúc, bên cạnh các loại chả giò, gỏi cuốn, cơm gà, cơm sườn, bánh bèo, bánh bò, bánh cuốn, mì xào...”, chị Ngọc cười giới thiệu.

Theo chị Ngọc thì “tất cả những món ăn được bày bán đều xuất phát từ nhu cầu của khách để tiện việc mua mọi thứ cùng một chỗ”.

Những mặt hàng tương tự, người ta cũng nhìn thấy khi bước vào Bánh Mì Saigon, Bánh Mì Chợ Cũ, Bánh Mì Chè Cali...

Và bánh mì kiểu Việt Nam, các tiệm bánh mì Việt Nam, cứ thế từng bước trở thành món ăn và nơi lui tới được ưa chuộng không chỉ của đồng hương mà cả người bản xứ và nước ngoài đang sống tại Hoa Kỳ.
Theo Người Việt (Lấy từ vnexpress.net)

10/5/13

Samsung, Nokia tuyển hàng nghìn lao động Việt Nam


Samsung Electronics Vietnam cần khoảng 1.200 lao động còn Nokia hiện có nhu cầu tuyển 700 vị trí công nhân và kỹ thuật viên. 

Samsung Electronics Vietnam đang tuyển dụng hàng nghìn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp đại học năm 2011-2013 trên cả nước với tất cả chuyên ngành như công nghệ thông tin, toán tin ứng dụng, điện tử, cơ khí, công nghệ môi trường, tài chính kế toán…
Những ứng cử viên trúng tuyển sẽ làm việc tài nhà máy sản xuất điện thoại tại Bắc Ninh, Viện nghiên cứu và phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam – Samsung Vietnam Mobile R&D Center (SVMC, trụ sở tạm thời tại Bắc Ninh, trong năm 2013 sẽ chuyển về Hà Nội).
Đây là một trong những đợt tuyển dụng quy mô lớn của doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện của Samsung Electronics Vietnam cho hay, từ ngày 22/3 đến ngày 13/4, công ty đã nhận tới 24.000 hồ sơ tham gia tuyển dụng, trong khi nhu cầu lao động chỉ khoảng 5% trong số này. Đối tượng ứng tuyển chủ yếu là sinh viên ở khu vực phía Bắc.
Vị này cho biết sau khi chọn lọc hồ sơ, có khoảng 3.000 sinh viên vào vòng làm bài thi. Những người đạt yêu cầu sẽ được phỏng vấn trực tiếp.
Samsung Electronics Vietnam dự kiến chỉ nhận khoảng 1.200 sinh viên, ở vị trí lập trình viên, làm việc tại trung tâm nghiên cứu phát triển điện thoại di động. Mức lương cho người mới ra trường khoảng 8,3 triệu đồng mỗi tháng. Nếu giỏi ngoại ngữ (tiếng Anh, Hàn Quốc...) sẽ được tính thêm khoảng 1,5 triệu đồng..
Ngoài Samsung, Nokia cũng đang tuyển hàng trăm lao động Việt Nam. Theo thông tin vừa được đăng trên trang web của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, Nokia Việt Nam muốn tuyển dụng 700 lao động. Trong đó, 600 công nhân chuyên lắp ráp linh kiện điện tử và cơ khí, đóng gói hàng xuất khẩu và 100 kỹ thuật viên bảo dưỡng.
Thông báo tuyển dụng của Nokia cũng nêu rõ, mức lương cơ bản của công nhân là 3,2 triệu đồng một tháng, tối thiểu học lớp 9 và đủ 18 tuổi, có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực điện tử và sản xuất.
Đối với kỹ thuật viên, yêu cầu có chứng chỉ liên quan đến điện tử viễn thông. Lương cơ bản theo bảng lương của công ty, trợ cấp nhà ở 300.000 đồng một tháng.
Phương Mai (vnexpress.net)

2/5/13

'Ông trùm' bất động sản Đức sắp tới Việt Nam


Thomas Kramer năm nay 56 tuổi, là đại gia bất động sản và nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng thế giới, đang lên kế hoạch trở lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thomas Kramer. Ảnh: Thomas Kramer
Sinh ra tại Hesse (Đức), Kramer bộc lộ năng khiếu kinh doanh từ khi còn nhỏ. Năm 14 tuổi, ông đã bắt đầu chơi cổ phiếu. Tốt nghiệp phổ thông, Kramer theo học Đại học Johann von Goethe ở Frankfurt (Đức) và Đại học Harvard ở Boston (Mỹ).

Với sự trợ giúp của cha mình, 18 tuổi, ông chuyển từ Boston về New York và tham gia giao dịch tại nhiều sàn chứng khoán trên thế giới. Năm 1987, Kramer tiên đoán được một trong những vụ sụp đổ thị trường chứng khoán lớn nhất mọi thời đại từ nhiều tháng trước. Khi điều này thực sự xảy ra, ông kiếm được tới 30 triệu USD và trở nên nổi tiếng chỉ trong một đêm.



Đầu thập niên 90, Kramer bắt đầu quan tâm đến thị trường bất động sản. Ban đầu, ông đổ tiền vào địa ốc Đông Đức, sau đó mua lại dự án đầy tranh cãi South Pointe ở Miami Beach (Mỹ) với giá 45 triệu USD. Khi đó, rất nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ kinh nghiệm và khả năng hấp dẫn nhà đầu tư của Kramer.

Ông đã cho xây dựng hàng loạt chung cư cao cấp tại đây. Rất nhiều người từng chỉ trích kế hoạch phát triển của Kramer và gọi những tòa nhà cao tầng dày đặc là "cánh rừng bê tông". Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận South Pointe đã trở nên thân thiện và an toàn hơn. Trước đây, khu vực này nổi tiếng nghèo nàn và nhiều tội phạm. Còn South Pointe hiện giờ đã là điểm đến thường xuyên của giới thượng lưu.

Cuối tháng 3, Kramer ký hợp đồng với tài phiệt bất động sản Pakistan - Malik Riaz để xây dựng Thành phố đảo Karachi tại đây. Dự án trị giá 20 tỷ USD, trải dài trên 49,5 km2 và sẽ hoàn thành trong 5 - 10 năm. Thành phố đảo sẽ có hệ thống an ninh tiên tiến với nhà máy nước, nhà máy điện riêng. Các công trình khác như nhà thờ Hồi giáo, rạp phim, spa, câu lạc bộ golf, trường học, bệnh viện cũng được thiết kế theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Kramer còn là nhà hảo tâm nổi tiếng với nhiều hoạt động thông qua quỹ Thomas Kramer Foundation. Ông cũng thường xuyên sử dụng biệt thự của mình tại Miami để tổ chức các sự kiện từ thiện.

Thomas Kramer từng đến Việt Nam với tư cách cá nhân. Tháng 7 tới, ông dự định đến Việt Nam khoảng 6 ngày và ghé thăm TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Vịnh Hạ Long, Hà Nội. Kramer cũng có kế hoạch gặp gỡ các doanh nhân Việt để chia sẻ kế hoạch đầu tư và trao đổi kinh nghiệm.

Thùy Linh (vnexpress.net)

30/4/13

Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt

Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán
Tính đến hết tháng 4/2013, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup có tài sản lên tới 17.647 tỷ đồng. Ông trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. 

Hiện nay (tháng 4), tổng giá trị cổ phiếu của 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán là 49.400 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ đồng so với tháng trước. Trong đó, đứng ở vị trí cao nhất trong Top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán vẫn là Phạm Nhật Vượng. Theo sau là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với 7.042 tỷ đồng. Bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Vingroup, vợ ông Vượng đứng ở vị trí thứ 3 với 3.043 tỷ đồng. Em bà Hương là bà Phạm Thúy Hằng đứng vị trí thứ 6 với 2.032 tỷ đồng. 
Trích từ Yahoo.com

23/4/13

Thế giới thắt lưng buộc bụng chỉ vì một lỗi Excel

Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff
Giới kinh tế mới đây tranh luận gay gắt sau khi tác giả nghiên cứu quan hệ tỷ lệ nợ công/GDP với tăng trưởng kinh tế thừa nhận sai sót.

"Khi tỷ lệ nợ công trên GDP của một quốc gia vượt quá 90%, GDP của nước đó sẽ giảm 0,1%, ngược lại, nếu tỷ lệ này dưới 90% thì tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 3-4%."

Đó là kết luận của 2 nhà kinh tế Harvard nổi tiếng Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff trong một bài báo công bố năm 2010

Nghiên cứu này làm giới hoạch định chính sách phải băn khoăn liệu có nên cắt giảm chi tiêu công để kiểm soát thâm hụt và sử dụng nội lực quốc gia để vực dậy nền kinh tế? Quan điểm đó đã ảnh hưởng đến các chính khách lớn từ nghị sỹ Mỹ Paul Ryan, đến bộ trưởng tài chính Anh George Osborne và tạo ra làn sóng chính sách thắt lưng buộc bụng từ Mỹ đến châu Âu.

Tuy nhiên, mới đây, người ta phát hiện ra, kết luận trên có thể sai chỉ do một lỗi Excel. Trang blog của Viện Roosevelt đã đưa ra một bài phê bình hai nhà kinh tế Reinhart và Rogoff. 

Theo trang này, lỗi Excel đã loại trừ Australia, Áo, Bỉ, Canada và Đan Mạch khỏi các phân tích và do đó khiến tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong các năm có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất (vượt 90%) giảm 0,3%. Cả hai chuyên gia Reinhart và Rogoff đều đã thừa nhận sai sót.

Bài nghiên cứu mới của 3 chuyên gia gồm Thomas Herndon, Michael Ash và Robert Pollin cũng chỉ ra các công thức tính đáng ngờ khác của Reinhart và Rogoff. Theo tính toán mới của họ, tăng trưởng bình quân của các nước có tỷ lệ nợ công trên GDP vượt 90% thực tế là 2,2%, mà không phải -0,1%.

Sử dụng dữ liệu của Reinhart và Rogoff, các chuyên gia trên nhận thấy, giai đoạn 2000-2009, tăng trưởng bình quân của các nước có nợ công vượt 90% GDP sẽ ngang ngửa hoặc cao hơn các nước có tỷ lệ nợ công/GDP từ 30%-90%.

Theo Marketwatch/Dân Việt