Trang

26/9/16

Những cách kiếm tiền trong khi ngủ

Có rất nhiều cách kiếm tiền. Sau đây là một số cách kiếm tiền giúp bạn có được nguồn thu nhập thụ động (kiếm tiền cả trong khi ngủ):

1. Viết blog để kiếm tiền

Viết blog có lẽ một trong những cách dễ nhất để kiếm thu nhập bị động. Bạn chỉ mất vài phút để lập một trang blog, bạn có thể sử dụng các blog miễn phí như blogger.com hoặc wordpress.com. Sau đó, hãy bắt đầu sáng tạo những nội dung thú vị để thu hút độc giả. Ví dụ, nếu là một kế toán, bạn có thể chia sẻ một vài kiến thức giúp các doanh nghiệp nhỏ giải quyết vấn đề thuế.

Khi đã có một lượng theo dõi nhất định, bạn có thể kiếm tiền bằng nhiều cách khác nhau như:
- Google adsense: Đặt các quảng cáo của google lên blog của bạn và kiếm tiền trên mỗi click
- Affiliate Marketing: Đặt các quảng cáo của các nhà quảng cáo có affiliate (liên kết). Xem thêm: affiliate marketing
- Quảng cáo cho cá nhân hoặc doanh nghiệp: phần mềm kế toán hoặc lập hóa đơn.
Ví dụ: bạn có thể đặt các quảng cáo như blog dưới đây

Ngoài ra bạn cũng có thể QC cho sản phẩm của chính mình.

2. Bán sản phẩm thông tin

Nếu bạn hiểu biết về một lĩnh vực nào đó, bạn có thể tạo ra những tác phẩm như eBook hay video về lĩnh vực đó và bán chúng. Việc này ban đầu sẽ hơi tốn thời gian và công sức, nhưng sau khi khâu chuẩn bị đã xong, bạn chỉ việc an nhàn hưởng thành quả.

3. Bán bản quyền

Nếu là một nghệ sĩ, diễn viên hay cây viết tài năng, bạn có thể kiếm tiền bản quyền từ tác phẩm của mình. Nói cách khác, người dùng sẽ phải trả phí nếu muốn sử dụng tác phẩm của bạn.

4. Bán website để kiếm tiền

Nếu bạn đã bỏ ra nhiều thời gian công sức để lập một website, và đang có lượt truy cập lớn, bạn có thể bán nó cho một bên khác.

5. Bán hàng trên mạng

Cũng giống như viết blog, có nhiều cách khác giúp bạn có được một nguồn thu nhập bị động từ Internet. Một trong những cách hiệu quả nhất là bán hàng. Bạn có thể bán trên Facebook, Amazon, eBay rất dễ dàng.

6. Chơi cổ phiếu


Khi đầu tư vào cổ phiếu bạn sẽ trở thành cổ đông và hưởng một phần lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây đã trở thành cách phổ biến để kiếm thu nhập bị động lâu dài. Với sự giúp đỡ của Internet, việc nghiên cứu và tự đầu tư càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

7. Cho vay

Những dịch vụ cho vay ngang hàng như LendingClub, Propser hay Harmoney sẽ kết nối bạn với những người có nhu cầu vay tiền nhưng lại không thể vay từ ngân hàng. Do được trực tiếp làm việc với người vay, bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận một mức lãi suất cao hơn.

8. Cho thuê nhà đất

Bạn có thể cho người khác thuê nhà đất hoặc căn hộ, chung cư của mình khi đi vắng hoặc không ở đến. Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là đăng quảng cáo và sẽ có thêm một khoản thu nhập hằng tháng.

Hà Tường (theo Entrepreneur)

19/9/16

Vì sao Big C chia tay Thế Giới Di Động

Việc 22 cửa hàng Thế Giới Di Động rời khỏi chuỗi siêu thị Big C sau một năm hợp tác được hai bên giải thích là do không đạt được thỏa thuận phù hợp.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm, Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động (MWG) công bố rút 22 cửa hàng ra khỏi Big C Việt Nam theo yêu cầu của Big C. Sự việc này khiến dự luận dấy lên nhiều nghi ngại cho rằng sau khi Big C về tay Central Group thì doanh nghiệp Việt bị “đuổi” ra khỏi cuộc chơi bán lẻ và thay thế vào đó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp Thái Lan.

Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc truyền thông Thế Giới Di Động xác nhận công ty chính thức rút 22 cửa hàng tại Big C sau hơn một năm kinh doanh ở siêu thị này. Tuy nhiên, việc rút số cửa hàng này chỉ là một thỏa thuận kinh doanh bình thường.

“Tại các cửa hàng đặt trong Big C, phần lớn là hàng di động. Gần đây chúng tôi muốn chuyển hẳn sang mô hình điện máy ở hệ thống này và khi thỏa thuận, hai bên không thống nhất được với nhau nên việc rút khỏi hệ thống Big C là bình thường. Cả hai đều rất vui vẻ và chẳng bên nào ép bên nào”, ông Phong nói.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này cũng cho biết, thực tế doanh số 22 cửa hàng trong hệ thống của Big C khá thấp so với 1.000 cửa hàng bên ngoài của Thế Giới Di Động, nên không có tác động nào đáng kể đến sự tăng trưởng doanh thu trong 8 tháng của công ty.



Về phía Big C, đại diện đơn vị này cũng cho biết, thực tế mô hình “shop in shop” được hình thành dưới thời chủ sở hữu là Casino Group. Khi Big C chuyển sang cho Central Group quản lý thì đơn vị này vẫn không bỏ mô hình này. Tuy nhiên, khi cả Thế Giới Di Động và Big C đều có sự thay đổi thì hai bên đã cùng nhau thỏa thuận nhưng chưa đạt được lợi ích chung, vì vậy đã "chấm dứt hợp đồng trong vui vẻ".

Bên cạnh vụ việc cửa hàng của Thế Giới Di Động rời khỏi Big C thì dư luận thời gian qua cũng dấy lên thông tin cho rằng, từ sau khi về tay Central, Big C đang ép doanh nghiệp Việt. Giải đáp thắc mắc này, đại diện Big C cho biết, thực tế, chủ sở hữu Thái Lan đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Điển hình là nếu trước đây, một số nhóm ngành như thực phẩm, đồ tươi sống, gia dụng vào siêu thị sẽ phải chịu chi phí quản lý, bán hàng, tạo code. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp bán thực phẩm tươi sống đã không phải chi trả những chi phí này.

Riêng sự việc các doanh nghiệp thủy sản trong Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) hơn một năm qua cho rằng bị siêu thị đòi chiết khấu cao, theo Big C, sau khi đại gia Thái Lan quản lý, cả hai bên đã ngồi lại với nhau, lý giải để đi đến thỏa thuận cuối cùng, đồng thời, đưa ra mức chiết khấu phù hợp để hai bên cùng có lợi. Toàn bộ các doanh nghiệp cung cấp hàng trước đó đã đồng ý và tiếp tục cung cấp hàng cho Big C. Ngoài ra, mới đây siêu thị còn có thêm vài doanh nghiệp thủy sản tham gia cung cấp sản phẩm.

Nhìn nhận về sự việc trên, một chuyên gia bán lẻ ở TP HCM cho rằng, việc các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với nhau khi không đạt được thỏa thuận là chuyện bình thường.

“Khi lợi nhuận không đạt được ở mức phù hợp thì hai bên sẽ tự tách nhau ra. Trong khi đó, việc Big C kết thúc hợp đồng với Thế Giới Di Động cũng là điều hợp lý khi mà chủ sở hữu đơn vị này đang nắm trong tay hệ thống điện máy lớn ở Việt Nam là Nguyễn Kim. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cũng cần tạo cho mình một lợi thế riêng để khi gặp sự cố tránh hụt hơi”, chuyên gia này phân tích.

Riêng với vấn đề chiết khấu, theo vị này, hiện nay không chỉ Big C đưa ra mức chiết khấu cao mà nhiều siêu thị nội, ngoại khác cũng đang áp chiết khấu lớn, đa phần dao động 2 đến 20%, tùy ngành hàng. Để tồn tại, ngoài thỏa thuận hợp lý, doanh nghiệp cũng cần xem lại hoạt động sản xuất, tiết giảm chi phí để có thể cạnh tranh tốt nhất trên thị trường. Khi cạnh tranh tốt, sản phẩm chất lượng thì các đại diện siêu thị sẽ tự động tìm đến.

Là một doanh nghiệp có số lượng hàng bán lớn trong các hệ thống siêu thị, cổ đông Vinamilk từng lo ngại về chiết khấu, cũng như sợ bị Big C "đuổi" ra khỏi hệ thống sau khi Central Group sở hữu. Tuy nhiên, trả lời tại đại hội cổ đông hồi tháng 5, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam cho rằng, thực tế Vinamilk không có bất cứ vướng mắc gì với siêu thị và hai bên làm việc rất vui vẻ.

"Chúng ta cung cấp sản phẩm tốt được người tiêu dùng tin tưởng, mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên thì chẳng dại gì hệ thống siêu thị bỏ chúng ta. Hiện nay, Vinamilk vẫn đang có mức chiết khấu và được chăm sóc tốt tại hệ thống siêu thị", bà Liên nói.

Hồng Châu

12/9/16

'Anh em nhà Samsung' cùng Satra kinh doanh thực phẩm

Không chỉ cùng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ uống, hai bên còn phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng súc sản, thủy hải sản.


Tập đoàn CJ (tiền thân là nhánh kinh doanh thực phẩm của Tập đoàn Samsung) vừa công bố mở rộng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm tại Việt Nam cùng với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Hai bên cũng đã ký thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm hữu nghị của Đoàn đại biểu TP HCM tại Hàn Quốc hôm thứ Sáu tuần trước.

Theo đó, CJ CheilJedang - công ty con chuyên về thực phẩm của Tập đoàn CJ, sẽ hợp tác với Satra phát triển các sản phẩm thực phẩm mới dựa trên những sản phẩm có sẵn của cả 2 bên. Hai bên cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất theo mô hình gia công cho các sản phẩm đồ uống của CJ CheilJedang tại Việt Nam.

Ngược lại, phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cấp trang thiết bị trong hệ thống bán lẻ, cũng như đẩy mạnh hoạt động marketing thông qua các lớp đào tạo kỹ năng, các chương trình khuyến mãi và giới thiệu sản phẩm mới. Ngoài ra, CJ CheilJedang sẽ thiết lập khu vực bán hàng trong hệ thống bán lẻ siêu thị của Satra, nhằm giới thiệu thử nghiệm các sản phẩm nhập khẩu đặc trưng từ Hàn Quốc và đa dạng hóa các sản phẩm Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam.

Cùng ngày, CJ Freshway - công ty con chuyên về phân phối thực phẩm và dịch vụ thực phẩm thuộc Tập đoàn CJ cũng chính thức trở thành nhà cung ứng độc quyền của Satra cho các sản phẩm trái cây đặc trưng của Hàn Quốc.

Hai bên cũng sẽ phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm súc sản và thủy hải sản chất lượng cao và giá cả cạnh tranh; đồng thời phát triển chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến gia công nhằm thay thế cho nguồn hàng từ Trung Quốc.

Ngoài việc hợp tác về kinh doanh thực phẩm, CJ hiện cũng đang nắm hơn 4% cổ phần Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan) - công ty thành viên của Satra.

Satra được thành lập năm 1995 do TP HCM quản lý, hiện có 70 doanh nghiệp gồm các công ty con và công ty liên kết. Ngoài ra, đơn vị này còn sở hữu khoảng 90 cửa hàng trên cả nước, bao gồm các siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Tập đoàn CJ đầu tư vào Việt Nam năm 1998 với nhiều lĩnh vực đa dạng như nông thủy sản, bánh ngọt, kênh truyền hình mua sắm (Home Shopping), giải trí và truyền thông, logistics, thức ăn gia súc, thực phẩm, sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình, trồng trọt.

Trong năm 2016, tập đoàn sẽ chi thêm 500 triệu USD để đầu tư vào M&A và các dự án mới trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ sinh học, bán lẻ và giải trí. Riêng với M&A, công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm. Nửa đầu năm nay, tập đoàn quyết định chi 2,1 triệu USD cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) kết hợp với nông dân tại Ninh Thuận trồng 10ha ớt.

Thi Hà

5/9/16

Vì sao người thành công thích thức dậy lúc 4h sáng

CEO Apple - Tim Cook thường dậy lúc 3h45, luôn là người đến văn phòng đầu tiên và ra về cuối cùng.

Hầu hết những người thức dậy lúc 4h sáng là do tính chất công việc, như nông dân, tiếp viên hàng không, đưa thư hay nhân viên giao dịch tiền tệ. Nhưng một số làm vậy lại do chính mong muốn của họ.

Russ Perry năm nay 33 tuổi, sống tại Scottsdale (Arizona, Mỹ) và là nhà sáng lập công ty thiết kế đồ họa Design Pickle. Anh cho biết khoảng thời gian từ 4h đến 6h sáng là thời điểm làm việc có kế hoạch và tổ chức nhất trong ngày.

Mỗi khi cả gia đình chào đón thêm thành viên mới, vợ chồng anh lại phải dậy sớm hơn một chút. Cho đến khi đứa con gái thứ ba ra đời thì đồng hồ báo thức nhà anh được đẩy lên 4h sáng.

Mỗi sáng sau khi thức dậy và cầu nguyện, Perry bắt đầu xử lý email, xem xét các vấn đề tài chính của công ty rồi tới phòng tập thể hình. Anh về nhà lúc 6h30 và dùng bữa sáng.

Dù theo các chuyên gia, trả lời email vào sáng sớm sẽ khiến bạn căng thẳng, Perry lại thấy việc này giúp anh bớt lo lắng và có cảm giác đi trước người khác một bước. Hệ quả của nó là đến khoảng 10h tối thì Perry đã hoàn toàn kiệt sức, nhưng anh vẫn không có ý định từ bỏ thói quen này.


Nhiều người thành đạt cũng có thói quen dậy sớm. Tim Cook - CEO Apple, thức dậy lúc 3h45 sáng, luôn là người đến văn phòng đầu tiên và ra về cuối cùng. Sallie Krawcheck - CEO của Ellevest thì cho biết 4h sáng là khi bà làm việc hiệu quả nhất.

Nhiều người chọn làm việc vào sáng sớm để tránh bị xao lãng bởi công nghệ và mạng xã hội. Một số làm việc tại nhà trước vì muốn giải quyết cho xong công việc phòng trường hợp đột nhiên nhận được đơn hàng mới. Số khác lại mong muốn tận dụng được sự yên tĩnh của buổi sáng sớm.

"Khi có được không gian yên tĩnh, bạn sẽ không bị phân tâm bởi những người khác, từ đó làm việc hiệu quả và năng suất hơn", nhà tâm lý học Josh Davis - Giám đốc nghiên cứu tại viện NeuroLeadership cho biết.

Người ta thường bị ảnh hưởng bởi những yếu tố gây phân tâm ở văn phòng như tiếng ồn xung quanh, thông báo email mới, điện thoại, Facebook… "Làm việc lúc 4h sáng sẽ giải thoát bạn khỏi những phiền phức này", Davis nhận định.

Peter Shankman, một doanh nhân kiêm diễn giả 44 tuổi tại New York, thường ra ngoài chạy bộ vào 4h sáng. Đường phố khi ấy vắng tanh, cho phép ông vừa chạy vừa suy nghĩ về các ý tưởng trong đầu mà không lo va phải ai. Tới 7h sáng, ông trở về nhà, mở máy tính trả lời email, làm việc hoặc viết lách.

Để có thể dậy sớm, ông phải đi ngủ vào lúc 8h30 tối. "Khi ấy tôi đã kiệt sức, nhưng có cái tốt tôi sẽ không có thời gian làm những việc ngớ ngẩn như ăn vặt buổi tối nữa".

Karen Schwalbe-Jones - quản lý phòng tập thể hình Harmony Studios tại West Hollywood, đã có thói quen thức dậy lúc 4h sáng được 13 năm nay, từ khi con trai bà ra đời. Người phụ nữ 48 tuổi này muốn dành khoảng thời gian sáng sớm để tập luyện trước khi bắt tay vào công việc.

Schwalbe-Jones thừa nhận bà cũng phải đánh đổi nhiều thứ. "Lối sinh hoạt này khiến tôi ít khi có thể gặp gỡ bạn bè. Hiện tại thì đó là sự lựa chọn tốt nhất cho gia đình tôi, nhưng tôi vẫn mong một ngày nào đó có thể ra ngoài ăn tối thoải mái mà không lo về muộn".

Hà Tường (theo WSJ)