Trang

26/6/13

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: Kinh tế đang chuyển biến theo hướng tốt dần lên

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, vẫn còn tiền ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, phải rất cố gắng GDP mới đạt được mục tiêu 5,5%.

Thứ trưởng Cao Viết Sinh.
Thông tin trên do ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong bài phỏng vấn đăng trên Vneconomy ngày 26/6.

Hành trình nửa năm đã qua đầy khó khăn của nền kinh tế và đến lúc này, các tín hiệu lạc quan liệu đã nhiều hơn, thưa ông?

Nhìn chung, tôi cho rằng tình hình đang chuyển biến theo xu hướng tốt dần lên.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng tương đương với mức tăng cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định; các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh dần phát huy tác dụng.

Vì thế, chỉ số hàng tồn kho đang giảm dần, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng dần qua từng tháng.

Số doanh nghiệp đăng ký mới bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong các tháng gần đây, ước tăng khoảng gần 8% trong 6 tháng đầu năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn ODA đạt khá...

Chính phủ luôn coi trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong điều hành kinh tế - xã hội. Vậy theo ông, trong 6 tháng đầu năm, đây có được coi là điểm sáng rõ nhất?

Chính phủ luôn xác định quyết tâm là kinh tế càng khó khăn thì càng phải quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực không chỉ trong 6 tháng qua mà là trong nhiều năm nay, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Như chính sách đối với người có công, đã trợ cấp thường xuyên cho trên 1,5 triệu người; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gần 1,9 triệu người trong dịp Tết Quý Tỵ. Đến nay, trên 98% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Trong 6 tháng, kinh phí thăm hỏi tặng quà từ ngân sách trung ương là 393,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa là trên 800 tỷ đồng. Đã xuất cấp không thu tiền gần 40 nghìn tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt vừa qua. Triển khai chính sách tín dụng lãi suất thấp cho hộ cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo lên 100%...

Về các chỉ tiêu lớn của năm 2013, theo ông, chúng ta liệu có cán đích thành công?

Nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn rất nhiều khó khăn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Thị trường bất động sản vẫn rất trầm lắng. Tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp...

Trong diễn biến như vậy, sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.

Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế.

Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào triển vọng đầu tư, kinh doanh.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần được tháo gỡ để từng bước phục hồi. Theo tôi, phải rất cố gắng thì GDP cả năm mới có thể đạt mục tiêu 5,5%.

Tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế liệu có làm tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chậm lại, thưa ông?


Chúng ta cũng biết là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị đẩy mạnh việc triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế với những lộ trình rất cụ thể đối với từng bộ, ngành và từng lĩnh vực, trong đó có nhấn mạnh đến các nội dung như trong quý 2/2013, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tôi cho rằng

Chính phủ đã thể hiện được quyết tâm không để tiến trình này chậm trễ thêm. 
Nguồn Vneconomy

22/6/13

Ngành dược thu hút nhà đầu tư Nhật

Nhiều doanh nghiệp Nhật có ý định rót vốn vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam trong thời gian tới, khi chi phí cho thuốc men của người dân ngày càng tăng cao qua các năm.

Ông Osamu Igarashi, Cố vấn trưởng của Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản trao đổi với VnExpress.net về tiềm năng của ngành dược phẩm ở Việt Nam và định hướng đầu tư vào lĩnh vực này tại đây trong thời gian tới.

- Ông đánh giá như thế nào về ngành dược phẩm ở Việt Nam?

- Doanh nghiệp dược phẩm của Nhật hiện tham gia vào thị trường Việt Nam chủ yếu ở dạng thuốc generic, được hiểu là thuốc tương đương sinh học với các thuốc sáng chế. Đối với các loại thuốc được kê toa theo đơn thì doanh nghiệp Nhật chưa tham gia. Nhưng theo quan điểm của tôi, trong tương lai họ sẽ thâm nhập vào thị trường này mạnh hơn, bởi ngành dược phẩm còn nhiều tiềm năng phát triển.

Việc đầu tư theo hình thức liên doanh hay 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp Nhật có xu hướng đầu theo dạng trực tiếp đổ vốn vào Việt Nam, vì điều này sẽ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hơn.

- Có ý kiến cho rằng điểm hấp dẫn của ngành dược là doanh nghiệp có cơ hội trục lợi trên giá thuốc nên khả năng sinh lời lớn? Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo tôi, điều này có thể kiểm soát được, thông qua các chế tài xử phạt. Tiền phạt có thể được tính bằng cách áp dụng theo tỷ lệ với doanh thu của hàng hóa hay dịch vụ. Tuy nhiên, chúng tôi còn có chính sách khoan dung, trong đó các khoản phạt được miễn trừ hoặc giảm nhẹ với điều kiện các doanh nghiệp có dính líu phải tự nguyện khai báo với cơ quan quản lý.

Mai Phương (Trích từ vnexpress.net)

18/6/13

Cà phê Starbucks pha từ nước toilet

Dù đã giải thích loại nước này còn được đưa qua hệ thống lọc để đảm bảo tiêu chuẩn thế giới, cửa hàng Starbucks Hong Kong vẫn khiến thực khách tức giận và phải tạm dùng nước chưng cất thay thế.

Các khách hàng thượng lưu tại Hong Kong (Trung Quốc) đang rất tức giận khi biết một cửa hàng Starbucks tại đây sử dụng nước từ nhà vệ sinh gần đó để pha cà phê. Cửa hàng nằm trong tòa tháp Bank of China nổi tiếng và việc này đã bắt đầu từ khi họ mở cửa tháng 10/2011.

Theo các bức ảnh đăng trên tạp chí Apple Daily, vòi nước này treo biển "Chỉ dùng cho Starbucks" và cách chỗ vệ sinh khoảng một mét trong căn phòng cáu bẩn, mà theo họ là thuộc khu để ôtô của tòa nhà.

Một khách hàng giận dữ viết trên trang mạng cá nhân rằng: "Starbucks, các anh cần phải tuyên bố rõ ràng việc này sẽ không được phép lặp lại nữa. Và sa thải tất cả những kẻ ngớ ngẩn cho rằng có thể dùng loại nước đó pha cà phê".

Đại diện cửa hàng cũng ra thông báo xin lỗi. Trong đó viết: "Nước được sử dụng trong cửa hàng là nước uống và đã được kiểm định. Đây chỉ là hiểu nhầm mà thôi. Chất lượng và an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của Starbucks. Chúng tôi đang sử dụng nước chưng cất để phục vụ khách hàng trong khi làm việc với các bên liên quan để giải quyết vấn đề này".

Người phát ngôn của Starbucks – bà Wendy Pang cũng cho biết nước lấy từ vòi đã được đưa qua một hệ thống lọc để đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn của Hong Kong và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Dù vậy, Benjamin Cowling - Giáo sư Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Hong Kong cho biết kể cả như vậy, các mầm bệnh trong nhà vệ sinh sẽ vẫn tồn tại ở khu vực chế biến thức ăn của Starbucks. Ông nói: "Tôi sẽ không bao giờ đến cửa hàng này nếu biết họ có quy trình vệ sinh đầy rủi ro như vậy".

Thùy Linh (theo USA Today)

13/6/13

Myanmar - Chiến trường mới của các đại gia?

Sau 60 năm ngủ vùi, thị trường Myanmar mở cửa và bỗng chốc trở thành chiến địa của hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới.

Chỉ mở cửa chưa đầy 2 năm, song hàng loạt công ty quốc tế lớn đã nhanh chân đứng chờ Myanmar mở cửa và cắm sẵn cho mình một lá cờ trên mảnh đất màu mỡ chưa ai khai phá này. Điều này cho thấy Myanmar, với dân số hơn 60 triệu người, thực sự là một "mỏ vàng" với các ông lớn. 

Tuy nhiên, dù lớn đến như vậy, song với số lượng ngày càng đông, các tập đoàn đến lúc phải tự đặt câu hỏi: "Liệu Myanmar có đủ lớn cho tất cả chúng ta?"

Có thể nói, các ông lớn đang đổ xô tới Myanmar không lạ gì nhau, bởi họ từng không ít lần đối đầu nhau ở các thị trường khác trên thế giới. Điều này cũng có nghĩa, họ đang phải đối đầu với những đối thủ cạnh tranh sừng sỏ nhất thế giới.

"Tình hình ở Myanmar lúc này cũng giống Trung Quốc cách đây 20 năm. Áp lực cạnh tranh ngày một gia tăng. Hiện tại những quốc gia như Myanmar không còn nhiều, do đó các công ty đa quốc gia phải nhanh chân tới đó trước tiên", hiệu trưởng trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu, ông Hellmut Schutte nhận định.

Mặc dù thị trường thẻ tín dụng ở Myanmar rất lớn và tiềm năng do đa số người dân nước này chưa có cơ hội sở hữu thẻ tín dụng, song khi cả 2 ông lớn MasterCarrd và Visa cùng nhảy vào hòng chiếm lĩnh thị trường, thì cuộc cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt, chủ tịch MasterCard khu vực Đông Nam Á Matthew Driver cho biết.

Một trận chiến khác cũng không kém phần khốc liệt là cuộc đối đầu giữa 2 ông lớn của làng giải khát thế giới, Coca-Cola và Pepsi. Tuần này, Coca-Cola tuyên bố đầu tư 200 triệu USD cho Myanmar trong thời gian 5 năm, và trở thành thương hiệu Mỹ đầu tiên bắt đầu sản xuất sản phẩm ngay tại địa phương. Coca-Cola thậm chí còn mời cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và nhiều ca sĩ địa phương tới tham dự sự kiện quảng bá của mình.

Mặc dù chưa sản xuất tại Myanmar, song Pepsi cũng nhanh tay hợp tác với một đối tác địa phương để phân phối sản phẩm.

Bên cạnh việc phải cạnh tranh lẫn nhau, các thương hiệu phương Tây khi đặt chân tới Myanmar cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu địa phương và một số thương hiệu đến từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.

Ngoài ra, hàng hóa tiêu dùng không phải là lĩnh vực duy nhất các công ty châu phải đối đầu nhau. Mới đây, 4 tập đoàn kế toán lớn là PricewaterhouseCoopers, Deloitte, Ernst & Young và KPMG cũng đổ xô tới Myanmar hòng chiếm lĩnh thị trường. Tất cả 4 tập đoàn này đều xây dựng sự hiện diện tại Myanmar, trong đó KPMG đã nhanh chân thiết lập một văn phòng ở Yangon hồi tháng 9 năm ngoái. Công ty hiện có tất cả 15 nhân viên, trong đó có 12 người là dân địa phương.

Hầu hết các giám đốc điều hành thừa nhận rằng mặc dù phải đối đầu với nhau, song sự tăng trưởng của kinh tế Myanmar trong thời gian dài sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, một loạt công ty công nghệ Mỹ như Google, Intel, HP, HPQ và Microsoft hay Cisco đã cùng nhau tới Myanmar trong một sứ mệnh chung hồi đầu năm nay. Tất cả đều chung ý tưởng hợp tác, bổ trợ lẫn nhau để phát triển ngành công nghệ thông tin lạc hậu của Myanmar và cùng nhau gặt hái lợi nhuận.

Chủ tịch Microsoft phụ trách các thị trường mới nổi Jamie Harper cũng lên tiếng ủng hộ việc các công ty công nghệ cùng nhau hợp tác để cùng hưởng lợi từ sự phát triển cơ sở hạ tầng thông tin ở Myanmar.

Tương tự, giám đốc điều hành của Visa và MasterCard cũng nhận định rằng sự phát triển của cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử ở Myanmar đều tạo ra cơ hội cho cả 2.
Nguồn WSJ/Dân Việt

8/6/13

Bầu Đức đổ 440 triệu USD vào Myanmar


TT - Sáng 5-6 tại TP Yangon (Myanmar), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã khởi công dự án xây dựng “Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center”.

Dự án nằm ở vị trí đắc địa nhất TP Yangon trên diện tích hơn 8ha với tổng vốn đầu tư lên đến 440 triệu USD.

Dự án chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện trong hai năm 2013-2014 gồm một trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê 27 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng lên đến gần 162.000m2; một khách sạn năm sao 480 phòng (23 tầng).

Giai đoạn 2 của dự án gồm bốn khối nhà cao 28 tầng với diện tích xây dựng gần 206.000m2, tương đương 1.800 căn hộ và một văn phòng cho thuê với tổng diện tích gần 64.000m2, dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - khẳng định với sự chủ động về phương tiện thi công, toàn bộ thiết bị máy móc phục vụ công trình đã được chuyển từ VN sang Yangon vào tháng 2-2013. Được biết, đây là dự án đầu tư có vốn nước ngoài lớn nhất vào Myanmar tính đến thời điểm hiện nay.
H.ĐĂNG (Nguồn: tuoitre.vn)