Trang

28/12/17

Tháo gỡ vướng mắc cho Việt kiều khi mua nhà, đất

Theo quy định, người Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng nhà ở gắn với quyền sử dụng đất, hoặc đất nền từ các hộ gia đình, cá nhân hay các dự án nhà ở. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong khi triển khai còn gây khó với kiều bào. 

Kiều bào tham quan sản phẩm hoa tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lỡ dở

Ông T.V.B còn quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam năm 2008. Ông B. được xếp vào diện trí thức yêu nước và với học vị tiến sĩ, ông được mời về Việt Nam góp phần thực hiện các dự án năng lượng sạch. Để tiện cho làm việc, cống hiến ở Việt Nam, ngày 2-2-2016, ông B. mua một thửa đất tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM. Sau khi hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng có công chứng tại Văn phòng công chứng Bảy Hiền TPHCM, ông B. nhận được thông báo về việc nộp thuế trước bạ nhà, đất của Chi cục Thuế huyện Cần Giờ và ông nhanh chóng nộp thuế ngay trong ngày nhận được thông báo. 

Mọi việc những tưởng suôn sẻ, nào ngờ 1 tháng sau, ông B. nhận được văn bản của Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM - Chi nhánh huyện Cần Giờ, yêu cầu ông bổ sung… số chứng minh nhân dân (CMND)! Lý lẽ Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM - Chi nhánh huyện Cần Giờ đưa ra là hợp đồng chuyển nhượng của ông B. chỉ ghi số hộ chiếu, không có số CMND; trong khi theo Thông tư số 23/2014 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, thì phải có số CMND, nếu chưa có thì ghi “giấy khai sinh số…”. Cơ quan này đề nghị ông B. bổ sung số CMND thay cho hộ chiếu mới xem xét giải quyết hồ sơ nhận chuyển nhượng.

Đây thực sự là một đòi hỏi khó với ông T.V.B. Bởi, có được CMND lại là một câu chuyện khác hoàn toàn. Muốn có CMND ông B. phải có hộ khẩu. Muốn có hộ khẩu, ông B. phải có nhà ở, chỗ ở hợp pháp. Trong khi, ông B. giờ đang làm thủ tục mua nhà đất để ổn định chỗ ở tại TPHCM! Như vậy, ông B. vô tình rơi vào vòng luẩn quẩn “con gà và quả trứng” trước đòi hỏi của cơ quan chức năng. Quyền được sở hữu tài sản hợp pháp và quyền sử dụng đất của ông T.V.B. đến nay vẫn lỡ dở, dù hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng và hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế. 

Không ai xác nhận

Đó là tình cảnh của bà Thanh Dung (Việt kiều Đức). Bà Dung kể, bà đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) ở quận 9, TPHCM. Mới đây, bà được cấp hộ chiếu mới (hộ chiếu Đức) nên khi về nước, đã ghé cơ quan cấp giấy chứng nhận tại quận 9 để làm thủ tục thay đổi thông tin trên quyền sử dụng đất. Dù tự tay bà đã trình ra 2 hộ chiếu, song cơ quan cấp giấy chứng nhận tại quận 9 vẫn yêu cầu bà Dung phải có giấy xác nhận 2 hộ chiếu trên là của… 1 người sử dụng. Bà Dung đề nghị Cơ quan Di trú Đức xác nhận 2 hộ chiếu là 1 người thì bên Đức không xác nhận vì cho rằng thủ tục này là thừa và vô lý, bởi đương nhiên 2 hộ chiếu với các thông tin chi tiết về nhân thân đã phản ánh là của 1 người sử dụng nối tiếp nhau. Bà Dung tiếp tục trở lại quận 9, bà lại được yêu cầu phải đi công chứng cam kết 2 hộ chiếu là 1 người. Tuy nhiên, kết quả cũng không khá hơn. Phòng công chứng cho hay không thể công chứng cam kết như thế. “Mỗi chuyện như vậy mà vòng vo Tam quốc. Tôi mất hàng tháng trời, gặp nhiều khó khăn, tốn kém và rất mệt mỏi” - bà Thanh Dung chia sẻ. 

Bà Mai Anh (Việt kiều Canada), phản ánh, bà đã có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị đến năm 2023 và đăng ký tạm trú tại quận 5, TPHCM. Tuy vậy, khi đi mua nhà, bà lại bị cơ quan chức năng yêu cầu phải có giấy xác nhận người gốc Việt Nam! Về đòi hỏi này, ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM) cho rằng, yêu cầu trên của cơ quan cấp giấy chứng nhận là sai. Với người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất, trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì chỉ cần hộ chiếu còn giá trị và có dấu nhập cảnh Việt Nam. Theo quy định, bà Mai Anh đã đủ điều kiện và không cần thêm giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hay xác nhận gốc Việt Nam. Nhân trường hợp bà Mai Anh, ông Dư Huy Quang đề nghị, các trường hợp khác mà cơ quan cấp giấy chứng nhận giải quyết không hợp lý, kiều bào có thể liên hệ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở nơi mua nhà đất hoặc ghé thẳng Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (số 12 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TPHCM) để được hỗ trợ, giải quyết. 

Về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận nhà đất tại Việt Nam, ông Dư Huy Quang cho biết, điều kiện đầu tiên là người Việt Nam ở nước ngoài phải nhập cảnh về Việt Nam. Và khi nhập cảnh về Việt Nam, sẽ có hai tình huống: nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam hoặc nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài. Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam, thì hộ chiếu phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu. Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo “điều kiện phụ” là có giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam (do Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp).

ĐƯỜNG LOAN (Theo SGGP)

24/4/17

Hành trình góp phần châm ngòi khủng hoảng Triều Tiên của tàu sân bay Mỹ

Những hiểu nhầm về ý định thực sự trong động thái di chuyển của tàu sân bay Carl Vinson đã thổi bùng mối lo ngại về nguy cơ chiến tranh không có thực.

Đầu tháng tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ra lệnh cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) xây dựng các kế hoạch “chủ động và bền vững” để đối phó với Triều Tiên, chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công quốc gia này, nhiều quan chức quân sự Mỹ tiết lộ với NavyTimes.

Các sĩ quan tham mưu PACOM đề xuất với Tư lệnh, Đô đốc Harry Harris, phương án hủy chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson tới Australia để lên đường tới vùng biển gần Triều Tiên, như một phương án đáp ứng chỉ đạo của Bộ trưởng Mattis về khả năng sử dụng sức mạnh quân sự đối với Triều Tiên.

Theo kế hoạch này, tàu Carl Vinson sẽ cắt ngắn cuộc diễn tập bí mật với hải quân Australia ở vùng biển ngoài khơi Indonesia, hủy chuyến ghé thăm cảng Perth của Australia và lên đường tới bán đảo Triều Tiên. Như vậy, Carl Vinson sẽ có mặt ở ngoài khơi Triều Tiên vào cuối tháng 4.

Tuy nhiên, việc thay đổi lịch trình của một tàu sân bay không phải là động thái nhỏ. Australia đã chuẩn bị rất nhiều thứ để đón tàu sân bay Mỹ. Ngoài ra, gia đình của nhiều thủy thủ trên tàu đã đặt vé máy bay tới Australia để gặp người thân. Chuyến ghé thăm cảng Perth là cơ hội hiếm hoi để các thủy thủ trên tàu có cơ hội gặp gỡ vợ con, gia đình.
Thủy thủ tàu Carl Vinson được gia đình chào đón trong một chuyến cập bờ. Ảnh: USNI

Các quan chức PACOM cho rằng điều dễ dàng nhất họ có thể làm là ra một thông cáo báo chí về việc hủy chuyến thăm Australia, giúp các gia đình quân nhân dễ dàng trả lại vé cho hãng hàng không, cũng như cho các bên liên quan hiểu lý do tàu Vinson sẽ không ghé thăm Australia.

Thông cáo báo chí với ngôn từ không hề ẩn ý rằng Đô đốc Harris đã “ra lệnh cho cụm tàu sân bay chiến đấu Carl Vinson đi lên phía bắc và hướng tới tây Thái Bình Dương sau khi rời Singapore vào ngày 8/4” này còn có một hiệu ứng khác: nó sẽ đánh động Triều Tiên rằng dàn khí tài hùng hậu của Mỹ đang trên đường đến, thế nên hãy biết cách mà cư xử.

PACOM cho rằng bản thông báo báo chí đó là phương án hoàn hảo để giải quyết những vấn đề do việc thay đổi lịch trình của tàu sân bay gây ra. “Đây thực sự là phương án duy nhất”, một quan chức hải quân Mỹ nói.

Thế nhưng mọi việc diễn ra không hề đơn giản như họ nghĩ. Trong 10 ngày tiếp theo, một chuỗi những hiểu nhầm và tính toán sai lầm trong hệ thống an ninh quốc gia Mỹ cùng cơn sốt của giới truyền thông đã đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, tưởng chừng như đã đẩy khu vực Đông Á vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ngày 8/3, vài giờ trước khi PACOM ra thông cáo báo chí, hãng Reuters đã đăng bản tin nói rằng tàu Carl Vinson sẽ rời Singapore và hướng thẳng về phía Triều Tiên để phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng, khi nước này được cho là sắp tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.

Bản tin của Reuters lập tức mở đầu cho những đồn đoán và phân tích trên báo chí về mục đích của Mỹ đằng sau động thái “điều tàu sân bay đến gần Triều Tiên”. Thông tin này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Trump ra lệnh tấn công bất ngờ bằng tên lửa vào Syria, tạo nên cảm giác rằng Tổng thống Mỹ đang ngày càng tự tin hơn trong việc sử dụng vũ lực. Nhiều người dự đoán rằng lãnh đạo Triều Tiên và các cơ sở hạt nhân của nước này sẽ là mục tiêu tiếp theo của tên lửa Tomahawk Mỹ theo lệnh của Trump.

Tàu Vinson và đội tàu hộ tống khi đó lại không hề chuyển hướng lên phía bắc. Chúng đang xuôi xuống Ấn Độ Dương để tiến hành cuộc diễn tập đã lên kế hoạch từ trước với Australia, trái ngược với những đồn đoán rằng một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào Triều Tiên sắp diễn ra.

Thế nhưng báo chí Mỹ vào ngày hôm sau tràn ngập những thông tin ngược lại. CNN và nhiều tờ báo lớn khác bắt đầu bước vào trạng thái đưa tin chiến sự. NYTimes nhận định “việc chuyển hướng hạm đội tàu sân bay là động thái gia tăng sức mạnh mới nhất của Tổng thống Trump trước một đối thủ tiềm tàng”, dù ông Trump dường như không liên quan gì tới lệnh chuyển hướng của tàu Vinson. “Truyền thông lúc đó gần như phát rồ”, một nguồn tin hải quân Mỹ nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN


Tướng H. R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã có cơ hội tuyệt vời để cải chính những hiểu lầm trên báo chí trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày hôm đó. Thế nhưng thay vì làm rõ kế hoạch di chuyển và ý định thật sự của tàu Vinson, ông McMaster lại ca ngợi rằng đây là động thái “khôn ngoan” và tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của Mỹ.

Đến ngày 10/4, Tổng thống Trump lại đổ thêm dầu vào lửa khi ám chỉ trong cuộc phỏng vấn với Fox Business News rằng Nhà Trắng đã ra lệnh cho tàu sân bay Vinson tới gần Triều Tiên.

“Chúng tôi đang điều một hạm đội rất mạnh”, ông nói. “Chúng tôi có những chiếc tàu ngầm, rất mạnh, mạnh hơn cả tàu sân bay, tôi có thể nói vậy”. Đây được coi như lời xác nhận của Tổng tư lệnh nước Mỹ về hành trình đến gần Triều Tiên của tàu Vinson, đặc biệt là sự ám chỉ về đội tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, đã làm dấy lên nỗi lo âu về một cuộc khủng hoảng thực sự.

Theo Vnexpress.net
Xem thêm:
- Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ
- Những khát vọng nhà cấp 4
- Dịch vụ thể thao dưới nước mạo hiểm của chàng kỹ sư đóng tàu

14/3/17

Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ

Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh và Washington nên tăng cường đối thoại để giải quyết bất đồng và đạt mục tiêu chung về thương mại.

"Trung Quốc không muốn để xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ. Việc này cũng chẳng khiến thương mại công bằng hơn được", ông cho biết trong cuộc họp báo hôm nay. Ông cũng khẳng định Bắc Kinh không có kế hoạch hạ giá nội tệ để tăng xuất khẩu, và sẽ giữ tỷ giá "nhìn chung ổn định".

Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xuống cấp. Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc để phản đối "hoạt động cạnh tranh không công bằng" của Bắc Kinh. Việc này đã làm dấy lên cảnh báo Trung Quốc có thể trả đũa.
Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường trong buổi họp báo hôm nay. Ảnh: Reuters

Tháng tới, ông Trump cũng sẽ có các cuộc nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Đây là cơ hội để ông cải thiện mối quan hệ với nền kinh tế lớn nhì thế giới này.

Trung Quốc năm nay đã hạ mục tiêu tăng trưởng xuống 6,5% - thấp hơn cả mục tiêu năm 2016. Dù vậy, trong buổi họp báo hôm nay, ông Lý Khắc Cường vẫn bảo vệ mục tiêu này. Ông cho rằng con số này không không và cũng không dễ đạt được trong bối cảnh nhiều rủi ro trong nước cũng như quốc tế hiện tại.Tuy nhiên, ông tiết lộ Trung Quốc vẫn còn nhiều công cụ chưa dùng đến.

Tại phiên họp Quốc hội tháng này, Trung Quốc cũng đề ra hàng loạt mục tiêu về giảm nợ doanh nghiệp, cải tổ cấu trúc, giảm dư thừa công suất và tạo thêm 11 triệu việc làm. Nước này đang muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ dựa vào sản xuất giá trị thấp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng theo chỉ đạo của Chính phủ sang dựa vào tiêu dùng và dịch vụ.
Hà Thu (theo Reuters/AP)