Trang

25/5/13

Người Việt Nam kinh doanh bánh mì trên đất Mỹ

Những tiệm bánh mì của người Việt ở khu Little Saigon, bang California, bán đủ loại bánh mì khác nhau và nhiều loại thực phẩm hấp dẫn khác.
Tiệm bánh Lee's Sandwiches. Ảnh: Người Việt.
Bánh mì thịt kiểu Việt Nam ngày càng trở nên quen thuộc và được ưa thích cả đối với người bản xứ, không phải gốc Việt. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi số tiệm bánh mì với đủ tên gọi ngày càng xuất hiện nhiều quanh khu vực Little Saigon và các vùng phụ cận, chưa tính đến sự nở rộ các tiệm bánh mì thịt Việt Nam tại những tiểu bang có người Việt sinh sống.

Tuy nhiên, không một nhà hàng quán ăn nào “dám chuyên trị" duy nhất một món bánh mì như vậy. Bước chân vào một tiệm bánh, người ta có thể mua thêm được vô số mặt hàng, đôi khi không dính dáng chút gì đến bánh mì.

Tiệm bánh mì không chỉ có bánh mì

Ngày nay, bước chân vào một tiệm bánh mì, người ta có cảm tưởng như mình bước vào một ngôi chợ thu nhỏ chuyên bán hàng ăn, bởi có rất nhiều món cho họ lựa chọn.

Vào Tip Top Baguette, ngoài bánh mì, pate chaud, khách còn có thể mua được cả cà ri gà, cà ri dê, bò kho, thậm chí cả ngô nếp nóng với giá 1.25 USD/bắp ngô. Cũng tại đây, củ kiệu, dưa món, kim chi, nước tương,... cũng được bày bán để người mua khi cần không phải mất thêm thời di chuyển đi nơi khác.

Có người vào Top Baguette chỉ để mua chả giò rế hay bánh nếp. Ông Moca, chủ nhân của tiệm bánh mì có cách trang trí, bày biện sang trọng này xác nhận: “Chả giò là món đang bán chạy nhất của tiệm, hơn cả bánh mì nữa. Có ngày chả giò không kịp cuốn để bán”.

Mặc dù phương châm của Lee's Sandwiches là “cái gì chuyên biệt thì cũng hay hơn, đặc biệt khi mình bước vào dòng chính thì mình càng phải độc đáo, bánh mì là bánh mì, cà phê là cà phê”, nhưng ngày nay khi bước vào các tiệm Lee's Sandwiches, người ta vẫn có thể mua thêm chả giò, cánh gà, gỏi cuốn, lạp xưởng, nước tương Maggi, bơ Pháp, bên cạnh nhiều loại bánh ngọt và chè khác.

“Đó là theo nhu cầu của khách, nhưng bánh mì vẫn là chính, còn lại là bánh ngọt chứ không đi lạc ra ngoài như bún, phở”, bà Yến Quách giải thích.

Với Tân Hoàng Hương thì khởi đầu cũng là tiệm cà phê bánh mì và food-to-go (đồ ăn mang đi), nhưng “đến giờ tôi cũng không biết có bao nhiêu món được bán tại tiệm nữa, vì mỗi ngày cứ mỗi thêm món ăn vô, nào là bánh mì ngọt, rồi xôi bắp, bánh cay, bánh tôm, bánh đúc, bên cạnh các loại chả giò, gỏi cuốn, cơm gà, cơm sườn, bánh bèo, bánh bò, bánh cuốn, mì xào...”, chị Ngọc cười giới thiệu.

Theo chị Ngọc thì “tất cả những món ăn được bày bán đều xuất phát từ nhu cầu của khách để tiện việc mua mọi thứ cùng một chỗ”.

Những mặt hàng tương tự, người ta cũng nhìn thấy khi bước vào Bánh Mì Saigon, Bánh Mì Chợ Cũ, Bánh Mì Chè Cali...

Và bánh mì kiểu Việt Nam, các tiệm bánh mì Việt Nam, cứ thế từng bước trở thành món ăn và nơi lui tới được ưa chuộng không chỉ của đồng hương mà cả người bản xứ và nước ngoài đang sống tại Hoa Kỳ.
Theo Người Việt (Lấy từ vnexpress.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét