Trang

29/7/13

Tiếng Anh khó hay tiếng Việt khó

Ông lão chầm chậm bắt đầu kể:
       Ta chơi khá thân với một người bạn già người Anh tên là Anthony, mà ta gọi thân thiện là Tony. Ông ta là người gốc London nhưng lại thích Hà Nội hơn nên đã sống ở Việt Nam được hơn 15 năm rồi và nói tiếng Việt cũng chẳng khác chúng ta tí nào. Ông ta cũng có thể ngồi vỉa hè ăn bún đậu mắm tôm như người Việt, và cũng tếu táo với các trò chơi chữ như những người Việt hay chữ vậy. 
         Ta nhớ có lần Tony thấy ta đang lúng túng trong một tình huống rất khó xử, ông ta nhìn ta và nói: "Ông bạn già ơi, bây giờ thì cái khó sẽ bó cái khôn hay cái khó ló cái khôn đây?". Ta giật mình cười và thầm phục khả năng dùng tiếng Việt uyên thâm của Tony. 
          Chưa hết, Tony còn đố mấy cô lễ tân khách sạn mà ta cùng Tony ở khi đi du lịch rằng: "Đố các cô gái nhé, một đống chuột chù mà bơi qua sông thì hỏi có mấy con?". Các cô lễ tân đang nghĩ sao ông già người Anh này đố hâm thế, một đống chuột chù thì biết có bao nhiêu con mà hỏi. Các cô gái đang định nói là không biết thì ông ta phá lên cười to và giải thích: "các cháu không biết ta chơi chữ à, một đống chuột chù nói ngược lại là một chú chuột đồng, như vậy là chỉ có một con chuột bơi qua sông thôi chứ". Nói câu chuyện này ra để thấy rằng Tony am hiểu và sử dụng tiếng Việt thành thạo đến thế nào.
Tiếng Việt khó quá
Và một lần ta đã thắc mắc với Tony về sự phức tạp của tiếng Anh rằng các nguyên tắc ngữ pháp của tiếng Anh quá rối rắm, và đôi khi là thừa. Ví dụ như: "I will come to see you tomorrow". Bản thân chữ tomorrow là ngày mai, tức là nói chuyện tương lai rồi, mà còn phải cho thêm cả chữ will để chỉ thêm về tương lai cho nó thừa ra làm gì cơ chứ. Rồi động từ thì vừa theo quy tắc, vừa bất quy tắc, làm khổ chúng tôi học thuộc hơn 400 động từ bất quy tắc của các vị rồi khi dùng vẫn nhầm lung tung. 
Đó là còn chưa kể việc thêm số nhiều vào danh từ nữa chứ. Đã đành các ông muốn phân biệt một và từ hai trở lên bằng cách thêm chữ “s” vào sau các danh từ cũng đã đủ làm chúng tôi nhầm khổ sở khi nói rồi, nhưng cứ thế hẳn đi đã đành, ai lại một bàn chân thì nói là “a foot” nhưng hai bàn chân thì nói là “feet”, rồi một đứa bé thì là “a child” mà hai đứa trở lên thì lại là “children” mới khổ người ta không. 
Mà một đàn con gì đó các ông cứ nói là “a group of” tất cả cho rồi ví dụ như một đàn ếch các ông nói là “a group of frogs”, thế nhưng sang con cá hay con sư tử thì lại thành “a school of fish” và “a pride of lions” và đàn chó là “a pack of dogs”, mà trong đàn thì các con cá là số nhiều các ông lại không nói là “a school of fishes” trong khi đó đàn chó hay đàn sư tử thì các ông lại thêm số nhiều vào chữ “dogs” và chữ “lions”… Như thế thì ai theo nổi tiếng Anh của các ông đây.

      Tony liền nói lại với ta bằng tiếng Việt rằng: "Ông cứ thắc mắc vậy chứ tiếng Việt của các ông mới làm tôi chóng hết mặt không thể theo kịp. Nếu trong tiếng Anh của tôi chỉ có một từ I để chỉ tôi, hay một từ YOU để chỉ người đối thoại, thì trong tiếng Việt của ông không biết thế nào mà tả những từ có cùng nghĩa với chữ I nữa: tôi, ta, con, bố, mẹ, ông, bà, cô, cậu… đều có thể có nghĩa là tôi như chữ I, đó là theo ngôi thứ, còn theo thái độ thì tôi thua luôn… vì không biết khi nào thì nên nói là tôi, khi nào nên nói là: ta, tao, đằng này, thằng này, con này, ông mày, tớ, thầy mày… rồi lại còn biến đổi theo từng vùng miền thì còn biến đổi nữa mới khổ chứ. Tóm lại tôi chẳng thể nào biết được các nguyên tắc tự xưng của tiếng Việt các ông cả, mỗi cảm xúc thì nói một kiểu. 
      Mà tiếng Anh của tôi thì chỉ có chữ black để chỉ màu đen, nhưng trong tiếng Việt thì tôi tin chính ông cũng chẳng liệt kê hết các từ chỉ màu đen ý chứ. Ví dụ nhé, con chó đen các ông gọi là chó mực, tóc đen là tóc huyền, mèo đen là mèo mun, ngựa đen là ngựa ô… rồi chưa kể màu đen có thể nói là: hắc, thâm… như các chữ hắc hải (biển đen) hay áo thâm (áo đen)… 
       Đó là về từ vựng, chứ về văn phạm thì chỉ có người Việt mới hiểu nhau được, chứ người học tiếng Việt như chúng tôi đều lấy làm sợ khi học. Ví dụ nhé: thắng và bại là hai từ ngược nghĩa phải không? Ấy thế mà các ông khối lần dùng nó như là những từ đồng nghĩa đấy, ví dụ như: võ sĩ A đánh thắng võ sỹ B, và võ sỹ A đánh bại võ sỹ B chẳng hạn. Rõ ràng là cùng nghĩa nhé. 
      Bại và thua tuy đồng nghĩa nhưng lại thành trái nghĩa đấy, ông thử nói: Võ sỹ A đánh thua võ sỹ B và câu võ sỹ A đánh bại võ sỹ B xem, có đúng là trái nghĩa nhau không nào… rồi còn áo ấmáo rét nữa chứ, hóa ra hai từ này đồng nghĩa trong khi ấm và rét trái nghĩa nhau hẳn. Rồi chưa kể các ông kéo cả tiếng Hán Nôm vào tiếng Việt trong khi tiếng Việt vẫn diễn tả được hết mà lại ít dùng. Ví dụ như vững như bàn thạch, sao các ông lại không chịu nói vững như bàn đá đi có được không; hay công viên sao không nói là vườn chung, vì viên là vườn đấy thôi, và công là của chung dành cho mọi người là gì…

Ta không chịu và tiếp tục lý luận: "Tiếng Anh của ông động từ là động từ cho nó rồi, ví dụ như go là đi, thì lại còn cho thêm giới từ vào sau đó tạo ra nghĩa khác hẳn đi, rất khó nhớ và lạ lẫm đối với người học tiếng Anh". Ví dụ như go off thì có nghĩa là phát nổ, còn go ahead thì lại không mang nghĩa đi về phía trước tí nào, mà lại là cậu nói đi… Chữ Look là nhìn, và out là ra bên ngoài, nhưng look out thì chả có nghĩa là nhìn ra ngoài tí nào, mà lại là nhắc người khác coi chừng, cẩn thận… mà nếu viết liền chữ look-out thì lại có nghĩa là lính canh hoặc chòi canh gác mới kỳ lạ chứ. Rõ ràng chữ watch là xem, nhưng câu watch your mouth thì lại có nghĩa là cẩn thận cái miệng đấy. Hay chữ skirt rõ ràng nghĩa là cái váy, vậy mà out-skirt lại nghĩa là ngoại thành, nhưng nội thành mà suy luận theo để nói là in-skirt thì các ông lại cười lăn ra… Rồi chữ odd rõ ràng nghĩa là số lẻ, chữ ball nghĩa là quả bóng, vậy mà odd-ball lại là người đàn ông lập dị.

Tony lập tức tiếp lời rằng: Đồng ý rằng tiếng Anh có nhiều cách diễn đạt lạ như thế, nhưng không thể so với những biến thể tiếng Việt còn khó theo hơn nhiều lần. Ví dụ như một loạt những từ viết được, nói được nhưng lại vô nghĩa nếu đứng một mình như: ịch, tiêng, hỉnh, xắn… nhưng khi ghép vào từ khác thì chúng lại có nghĩa như ục ịch, tiêng tiếc, hóm hỉnh, xinh xắn… Rồi một loạt các chữ mà ngay người Việt cũng chẳng chịu phân biệt rạch ròi như dạy học hay dậy học, đôi giày hay đôi giầy… 
      Đó là chưa kể tiếng Việt có tới 5 dấu: hỏi (?), sắc (´), huyền (`), nặng (.), ngã (~) và 6 thanh điệu được tạo bởi 5 dấu này cộng thanh ngang… Việc đưa dấu thanh điệu vào câu nói đúng là ác mộng với người học tiếng Việt, vì chúng tôi không có dấu trong tiếng Anh và gần như không thể phân biệt được dấu. Ví dụ như cậu bạn người Mỹ của tôi đã mắc lỗi khi về quê Việt Nam hỏi vợ, cậu ấy nói một câu tiếng Việt là "Con muốn làm con dê cụ." khiến cả nhà cười lăn ra… Vì anh chàng đó cũng như tôi, gần như không thể nói rõ dấu hỏi trong tiếng Việt như chữ con dể được, mà sẽ nói không có dấu thành con dê mà thôi. Mỗi khi thêm dấu, nghĩa của từ khác nhau hoàn toàn. 
     Mà đó mới chỉ là một từ vựng nhé, chưa kể việc từ vựng tiếng Việt mà ghép vào với nhau thì không thể lường nổi về nghĩa nữa. Ví dụ như chữ ăn có nghĩa là cho thức ăn vào cơ thể qua miệng chứ gì? Nhưng ghép với từ khác thì có vẻ như nó không có nghĩa đó tí nào cả. Ví dụ như ăn đòn, ăn chơi, ăn ở, ăn tiền, ăn cắp, ăn cướp, ăn vạ, ăn năn, ăn chia… Quả thực quá phong phú về nghĩa và cách ghép, nếu đem so sánh với các ngữ động từ của tiếng Anh hay các từ ghép thì chúng tôi không so được. 
Mà ngay cả các tính từ trong tiếng Việt cũng có thể ghép khôn lường về nghĩa, mà tiếng Anh của chúng tôi thì không nhiều đến như thế. Ví dụ như miêu tả màu trắng thì tiếng Anh có chữ white, hay nếu có ý nói là sáng thì sẽ là bright, nhưng tiếng Việt thì vô vàng cách mô tả màu trắng như: trắng trẻo, trắng tinh, trắng muốt, trắng xóa, trắng hếu, trắng ởn, trắng bệch, trắng nõn… mà thêm một từ trắng nữa vào thì lại chẳng trắng hơn mà lại có vẻ như giảm độ trắng đi như từ trắng trắng… hay ghép nhầm với từ khác thì chả có nghĩa là trắng tí nào, như từ trắng trợn chẳng hạn, có còn nghĩa là trắng nữa đâu?

Nghe ông bạn Tony phân tích một hồi, ta ngẫm ra đúng là tiếng Việt mình khó thật. Sống gần hết đời người mà chưa chắc đã biết hết tiếng Việt nữa. Dù sao ngôn ngữ sinh ra là để phản ánh đời sống và lao động của một cộng đồng con người trong suốt chiều dài lịch sử, mà dân tộc mình có tới 4000 năm lịch sử dựng nước, lao động, bảo vệ đất nước và phát triển đất nước thì quả thực là ngôn ngữ không phong phú mới là lạ. 

Tony mới chỉ biết có đến thế, chứ làm sao biết được thái độ của người Việt trong từng câu nói, cùng là một nội dung nói đấy, nhưng như các cụ đã có câu ý tại ngôn ngoại tức là ý ở ngoài lời, nếu mà giọng nói và cách nhấn giọng khác nhau thì ý nghĩa của câu nói thay đổi hoàn toàn ý chứ. Ví dụ câu: tôi yêu cô ấy nếu nói bình thường thì không sao, chứ nhấn vào chữ yêu và kéo thật dài ra trong khi nói thì chưa biết chừng người nói lại có ý chê bôi và bài xích chứ chẳng yêu thương gì… Mà trong tiếng Anh thì lời nói thế nào ý nghĩa thế ấy, dù người nói có nhấn thêm từ này hay từ khác thế nào đi chăng nữa thì nghĩa của câu vẫn gần như giữ nguyên nghĩa của những từ vựng trong câu…Từ sau câu chuyện tình cờ và vui vẻ đó, ta chợt nhận ra người Việt mình đang làm chủ một ngôn ngữ rất khó, rất giàu có, phong phú và phức tạp, trong khi tiếng Anh không hẳn đã khó như vậy. Ta tự nghĩ tiếng Anh làm cho ta thấy khó học là vì cách nghĩ và tư duy ngôn ngữ của họ và ta khác nhau quá xa, chứ xét riêng về độ phong phú và sự phức tạp về ngữ nghĩa trong từng câu nói, quả là không so được với tiếng Việt.

28/7/13

Đi xe hơi ăn cơm với muối ớt

Lương của tôi vào khoảng 100 triệu đồng/tháng và tôi đã có xe 4 bánh. Nhưng tôi vẫn dùng đồng hồ đeo tay nhảy số, mỗi khi đứt dây, tôi dùng keo dán sắt gắn lại…

Lương của tôi cũng vào khoảng 100 triệu đồng/tháng và tôi cũng có luôn 4 bánh. Nhưng tôi vẫn dùng đồng hồ đeo tay nhảy số, mỗi khi đứt dây, tôi dùng keo dán sắt gắn lại.

Tôi không biết nấu ăn nên những hôm vợ tôi không chuẩn bị được bữa sáng vì bận con nhỏ, tôi vẫn vui vẻ ăn cơm với chao, muối ớt để đi làm.

Buổi trưa tôi mang theo 3 trái táo, 1 trái chuối, 1 bình cà phê vợ pha sẵn, chiều về ăn cơm cùng vợ con. Dĩ nhiên cũng đôi lúc tôi ra ngoài ăn sáng, ăn trưa nhưng không thường xuyên.

Tôi vẫn giữ thói quen mua quần áo ở chợ đêm, điện thoại tôi đang dùng chỉ cơ bản nghe gọi. Tôi không rõ mình đang chi cho bản thân tiền ăn bao nhiêu mỗi tháng nhưng tôi chắc chắn một điều là tiền tôi ăn uống ít hơn 3 triệu đồng rất nhiều.

Đọc đến đây một số bạn sẽ cho tôi sống keo kiệt. Tôi xin thưa với các bạn là không. Mỗi tháng số tiền tôi biếu ông bà, cha mẹ đủ để mua được một cái iPhone đấy. Đám cưới em, tôi sẵn sàng “đi” vài chục triệu đồng. Cha mẹ, ông bà bệnh, tôi luôn là người đi đầu trong khoản chi, từ chi công khai cho đến chi âm thầm, vì tôi là anh cả.

Một số bạn sẽ cho rằng tôi là người không biết gì về công nghệ, cục mịch. Tôi cũng xin nói luôn, tôi là dân công nghệ thông tin, có thể lập trình giỏi trên cả 3 nền tảng: điện thoại, trên software và hiện tại trên hardware (embedded).

Một số bạn sẽ cho tôi chẳng có mối quan hệ nào cả. Vậy tôi cũng xin chia sẻ câu chuyện này với các bạn luôn. Tôi khởi đầu với mức lương tầm 2,2 triệu đồng/tháng. Lúc đó, tôi mới ra trường, đi làm có chút đỉnh lương cộng với tư tưởng đi học bao nhiêu năm, giờ xả hơi, tôi cũng đàn đúm vui chơi cà phê cà pháo suốt ngày với bạn bè nên cũng nhiều mối quan hệ, tốt cũng có, phức tạp cũng có.

Kết quả của những mối quan hệ rộng đó sau hơn 2 năm làm việc, lương tôi chỉ lên được 2,8 triệu đồng/tháng. Trải qua những biến cố sức khỏe, cuộc sống, tôi nhận ra rằng: gia đình, người thân mới là quan trọng nhất. Từ đó tôi đã đổi suy nghĩ, tập trung cho gia đình, anh em, tập trung chuyên môn và công việc.

Kết quả sau 7 năm tôi đã sở hữu một chiếc ôtô, nhà, 2 đứa con. Suốt 7 năm đó tôi chẳng hề ghé đến quán nhậu một lần (trừ những lúc vào nhà hàng dự đám cưới bạn bè, hoặc tiệc tùng do gia đình tổ chức). Còn quán cà phê thì không quá số ngón trên đầu bàn tay.

Chẳng có và cũng chẳng cần một mối quan hệ nào trong 7 năm qua cả, trừ mối quan hệ anh em, gia đình và một vài anh em trong công ty. Ngay cả lúc đi thi lấy bằng lái xe ô tô, các anh em cùng lớp bảo đóng góp chút đỉnh lúc chạy thực tế (thi lý thuyết, thi thực hành và chạy thực tế khoảng 1 km), mỗi người đóng 300.000 đồng, tôi cũng lấy lý do không biết trước nên không mang theo tiền.

Thế là suốt cả khóa học tôi chỉ mất đúng tiền học phí và thuê xe chạy thử, không hề dắt thầy đi nhậu như một số bạn cùng lớp đã làm. Cuối cùng tôi vẫn có bằng B2 chỉ với một lần thi duy nhất.

Dĩ nhiên cũng có chút hậu quả là các đợt thi của tôi bị dời hết lần này đến lần khác, gần cả năm sau tôi mới được thi. Nhưng với tôi thời điểm đó không quan trọng, không gấp. Vì công ty cũ nơi tôi làm việc cũng tổ chức đi chơi 1 năm 2 lần, miễn phí.

Nói là đi chơi miễn phí nhưng 7 năm qua tôi cũng chưa tham gia bao giờ. Ngay cả lúc tôi đã là sếp, bị sếp lớn hơn trực tiếp nhắc khéo nên tham gia, tôi cũng thoái thác… Bởi các ngày lễ lớn, tôi tranh thủ đưa vợ con về quê chơi hoặc ở lại thành phố sang chơi với ông bà. Như vậy, các bạn sẽ cho rằng tôi không biết hưởng thụ, thật ra tôi đang hưởng thụ đấy các bạn ạ.

Tôi thấy có nhiều bạn 2-3 tháng lương mới mua đủ 1 cái iPhone, nhưng các bạn vẫn cố vay mượn để mua. Rồi sau đó là gánh nặng đè trên vai càng thêm nặng. Như vậy mà gọi là biết hưởng thụ sao? Còn tôi mỗi tháng có thể mua được hơn chục cái iPhone nhưng tôi dành phần lớn cho gia đình, làm cho gia đình tôi vui vẻ (cha mẹ, anh em, ông bà, con cái). Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, như vậy là tôi đang hưởng thụ đấy chứ.

Tôi có rất nhiều khoản chi hàng tháng như: điện nước, xăng dầu, nhớt, xe cộ (tôi đi làm bằng ô tô), đám tiệc, con cái, cha mẹ, ông bà... Nên tôi không nói tổng chi phí 1 tháng chỉ 3 triệu đồng. Nhưng những khoảng chi dành riêng cho bản thân tôi hay để “nâng cấp” bản thân mình thì rất thấp, vì tôi vẫn giữ lại nhiều thói quan của sinh viên ngày nào.

Tôi thấy có nhiều bạn trẻ, cha mẹ nghèo khó, làm lương ba cọc ba đồng nhưng các bạn ấy không bỏ lỡ những phim hay nào ở rạp, trên tay thì iPhone 4-5.

Quyền sống sao là của mỗi người, miễn sao không phạm pháp. Nhưng theo tôi dùng cái quyền đó xem sao cho được lại là một chuyện khác các bạn ạ. Có bạn sẽ cho rằng sống không tiêu xài làm cho đất nước nghèo, các bạn lo xa quá.

Xã hội có cách vận chuyển để phát triển của riêng nó. Một đất nước không phát triển công nghiệp thì phát triển nông nghiệp, không phát triển du lịch thì sẽ phát triển các dịch vụ khác.

Nếu các bạn là người làm ăn lớn thì các bạn cần có mối quan hệ rộng là đúng. Còn nếu các bạn giống như tôi 10 năm trước, là sinh viên nghèo mới ra trường, tôi khuyên các bạn phải tự tin khả năng của mình, cố gắng trong công việc, đừng bê tha nhậu nhẹt, cà phê cà pháo rồi bào chữa cho rằng ra đường phải cần mối quan hệ.

Bản lĩnh của một người là làm cho gia đình mình hạnh phúc, chứ bản lĩnh không phải chỉ đơn giản là cái iPhone, những bộ quần áo hàng hiệu hay những cái gì đó để bằng chị bằng em đâu các bạn ạ.

Thanh Hiếu (Vnexpress.net)

26/7/13

18/7/13

Giấc mơ McDonald's của doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng

McDonald's sẽ có mặt ở Việt Nam vào quý I/2014. Ảnh: Rapgenius

Nung nấu ý định đưa McDonald's về Việt Nam từ 10 năm nay, Nguyễn Bảo Hoàng mở công ty riêng, thường xuyên liên lạc với đối tác và dự kiến khai trương cửa hàng đầu tiên vào quý I năm sau tại TP HCM.

Từ thủ phủ tại bang Illinois (Mỹ), Tập đoàn bán đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald's tuần qua đã công bố sẽ gia nhập thị trường thức ăn nhanh Việt Nam qua việc nhượng quyền thương hiệu cho doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng, hay còn gọi là Henry Nguyễn.

Thông tin McDonald's sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam râm ran từ gần một năm nay, tuy nhiên, việc ông Nguyễn Bảo Hoàng được chọn làm đối tác đã gây bất ngờ bở ngoài lý lịch là một Việt kiều từ Mỹ về nước làm ăn, ông được biết tới chủ yếu với chức danh Tổng giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG (IDG Ventures) trị giá hơn 100 triệu USD, chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ như Tencent, Baidu, Sina (Trung Quốc) hay VNG, VC Corp, Peacesoft (Việt Nam)...

Trao đổi với VnExpress.net, bà Đường Thu Hương, Giám đốc đối ngoại của IDG Ventures xác nhận việc hợp tác với McDonald là "một thương vụ cá nhân" của ông Nguyễn Bảo Hoàng, không liên quan gì đến IDG Ventures. Như vậy, có thể thấy chính vị Tổng giám đốc này đã tự thử sức trong một lĩnh vực mới.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Bảo Hoàng cũng bày tỏ đã nung nấu ước mơ đưa McDonald's về Việt Nam từ chục năm nay. "Từ bé đến nay, tôi vẫn luôn là người hâm mộ của McDonald’s, đó cũng là nơi tôi từng làm việc khi ở tuổi vị thành niên. Từ khi trở về Việt Nam hơn 10 năm trước, tôi luôn mơ ước một ngày nào đó có thể đưa McDonald’s đến với quê hương mình", ông nói.

Năm 2012, công ty Good Day Hospitality hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống được ông lập ra. Cũng có nhiều ý kiến hoài nghi với một công ty còn "non" về kinh nghiệm và ít tên tuổi trên thị trường thì Nguyễn Bảo Hoàng dựa vào đâu để được lãnh đạo tập đoàn quốc tế như McDonald chọn làm đối tác.

Ông Liam Jeory - Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ đối ngoại của McDonald's tại châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi cho hay quy trình cấp phép nhượng quyền thương hiệu đã được quy chuẩn chung trên toàn thế giới. Người được chọn sẽ phải là doanh nhân chứng minh được khả năng huy động vốn, hợp tác để cùng nhau tạo thành một đội có hiệu suất hàng đầu và đưa công việc kinh doanh của McDonald's ngày càng phát triển.

12/7/13

Những câu nói của NGUYỄN TƯỜNG NHẬT

1. NẾU BẠN CHO TÔI ĐỊNH NGHĨA VỀ MA VÀ MỘT SỐ TIỀN ĐỦ LỚN, TÔI SẼ TẠO CHO BẠN MỘT CON MA.

2. HÃY HIỂU TIẾNG ANH THEO CÁCH MÀ HỌ DIỄN ĐẠT, ĐỪNG HIỂU TIẾNG ANH THEO CÁCH CỦA CHÚNG TA.

a) Người Anh không phân biệt giới tính, tuổi tác trong xưng hô:
VD:            Dad, can you give me a cup?
Nghĩa là:     Cha, mày có thể đưa cho tao cái cốc?
        Người Anh không có đại từ xưng hô "cha", họ chỉ có "i - you". Do đó, nếu dịch đúng nghĩa thì phải là "tao - mày" hoặc "ta - ngươi". Chúng ta phải hiểu như vậy thì ta mới thấy được rằng người Anh "mất dạy" như thế nào và đó chính là bản chất của họ, là thứ khiến họ dễ dàng tiến đến sự công bằng trong xã hội. Đối với họ, không có người lớn, người nhỏ; không phân biệt người già, người trẻ. Đối với họ, bất luận người đối diện là ai, dù lớn hay nhỏ, dù già hay trẻ, dù giàu hay nghèo, có chức vụ hay không thì cũng chỉ là "YOU" thôi.

b) Người Anh cảm nhận tính chất của sự vật trước còn người Việt Nam nhìn nhận sự vật trước:
VD1:
       Một anh chàng đang ngồi trong công viên, một cô gái đẹp đi qua.
Người Anh: Wow, a beautiful girl.
Người Việt: Wow, một cô gái đẹp.
Người Anh chú ý đến tính chất (beautiful) trước khi tới cô gái. Còn người Việt chú ý đến sự vật (cô gái) trước tính chất.
Người Anh (hay nhiều nước khác) luôn luôn quan tâm đến "cái đó" như thế nào (tính chất), Còn người Việt thì chú ý đến "cái đó là cái gì" rồi mới quan tâm đến tính chất.
Nếu chúng ta dịch: "a beautiful girl" = "một cô gái đẹp" thì chúng ta đã dịch sai, vì người Việt chúng ta nhìn nhận sự vật (cô gái) như vậy chứ người Anh thì khác. Trong đầu người Anh họ nghĩ như thế này: "Một đẹp cô gái".
VD2:   Một cặp tình nhân đang ngồi trong công viên. Một cô gái xinh đẹp dẫn một con chó đi ngang.
Nàng: a beautiful
Chàng: Do you think so? She's really beautiful.
Nàng: a beautiful ...... dog.
(Chúng ta sẽ dịch như thế nào?)

c) Tiếng Anh có những từ thuộc nhiều loại từ loại khác nhau.
VD:
có từ vừa là nội động từ, vừa là ngoại động từ.
có từ vừa là danh từ, vừa là động từ, vừa là tính từ.