Trang

28/12/17

Tháo gỡ vướng mắc cho Việt kiều khi mua nhà, đất

Theo quy định, người Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng nhà ở gắn với quyền sử dụng đất, hoặc đất nền từ các hộ gia đình, cá nhân hay các dự án nhà ở. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong khi triển khai còn gây khó với kiều bào. 

Kiều bào tham quan sản phẩm hoa tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lỡ dở

Ông T.V.B còn quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam năm 2008. Ông B. được xếp vào diện trí thức yêu nước và với học vị tiến sĩ, ông được mời về Việt Nam góp phần thực hiện các dự án năng lượng sạch. Để tiện cho làm việc, cống hiến ở Việt Nam, ngày 2-2-2016, ông B. mua một thửa đất tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM. Sau khi hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng có công chứng tại Văn phòng công chứng Bảy Hiền TPHCM, ông B. nhận được thông báo về việc nộp thuế trước bạ nhà, đất của Chi cục Thuế huyện Cần Giờ và ông nhanh chóng nộp thuế ngay trong ngày nhận được thông báo. 

Mọi việc những tưởng suôn sẻ, nào ngờ 1 tháng sau, ông B. nhận được văn bản của Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM - Chi nhánh huyện Cần Giờ, yêu cầu ông bổ sung… số chứng minh nhân dân (CMND)! Lý lẽ Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM - Chi nhánh huyện Cần Giờ đưa ra là hợp đồng chuyển nhượng của ông B. chỉ ghi số hộ chiếu, không có số CMND; trong khi theo Thông tư số 23/2014 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, thì phải có số CMND, nếu chưa có thì ghi “giấy khai sinh số…”. Cơ quan này đề nghị ông B. bổ sung số CMND thay cho hộ chiếu mới xem xét giải quyết hồ sơ nhận chuyển nhượng.

Đây thực sự là một đòi hỏi khó với ông T.V.B. Bởi, có được CMND lại là một câu chuyện khác hoàn toàn. Muốn có CMND ông B. phải có hộ khẩu. Muốn có hộ khẩu, ông B. phải có nhà ở, chỗ ở hợp pháp. Trong khi, ông B. giờ đang làm thủ tục mua nhà đất để ổn định chỗ ở tại TPHCM! Như vậy, ông B. vô tình rơi vào vòng luẩn quẩn “con gà và quả trứng” trước đòi hỏi của cơ quan chức năng. Quyền được sở hữu tài sản hợp pháp và quyền sử dụng đất của ông T.V.B. đến nay vẫn lỡ dở, dù hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng và hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế. 

Không ai xác nhận

Đó là tình cảnh của bà Thanh Dung (Việt kiều Đức). Bà Dung kể, bà đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) ở quận 9, TPHCM. Mới đây, bà được cấp hộ chiếu mới (hộ chiếu Đức) nên khi về nước, đã ghé cơ quan cấp giấy chứng nhận tại quận 9 để làm thủ tục thay đổi thông tin trên quyền sử dụng đất. Dù tự tay bà đã trình ra 2 hộ chiếu, song cơ quan cấp giấy chứng nhận tại quận 9 vẫn yêu cầu bà Dung phải có giấy xác nhận 2 hộ chiếu trên là của… 1 người sử dụng. Bà Dung đề nghị Cơ quan Di trú Đức xác nhận 2 hộ chiếu là 1 người thì bên Đức không xác nhận vì cho rằng thủ tục này là thừa và vô lý, bởi đương nhiên 2 hộ chiếu với các thông tin chi tiết về nhân thân đã phản ánh là của 1 người sử dụng nối tiếp nhau. Bà Dung tiếp tục trở lại quận 9, bà lại được yêu cầu phải đi công chứng cam kết 2 hộ chiếu là 1 người. Tuy nhiên, kết quả cũng không khá hơn. Phòng công chứng cho hay không thể công chứng cam kết như thế. “Mỗi chuyện như vậy mà vòng vo Tam quốc. Tôi mất hàng tháng trời, gặp nhiều khó khăn, tốn kém và rất mệt mỏi” - bà Thanh Dung chia sẻ. 

Bà Mai Anh (Việt kiều Canada), phản ánh, bà đã có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị đến năm 2023 và đăng ký tạm trú tại quận 5, TPHCM. Tuy vậy, khi đi mua nhà, bà lại bị cơ quan chức năng yêu cầu phải có giấy xác nhận người gốc Việt Nam! Về đòi hỏi này, ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM) cho rằng, yêu cầu trên của cơ quan cấp giấy chứng nhận là sai. Với người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất, trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì chỉ cần hộ chiếu còn giá trị và có dấu nhập cảnh Việt Nam. Theo quy định, bà Mai Anh đã đủ điều kiện và không cần thêm giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hay xác nhận gốc Việt Nam. Nhân trường hợp bà Mai Anh, ông Dư Huy Quang đề nghị, các trường hợp khác mà cơ quan cấp giấy chứng nhận giải quyết không hợp lý, kiều bào có thể liên hệ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở nơi mua nhà đất hoặc ghé thẳng Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (số 12 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TPHCM) để được hỗ trợ, giải quyết. 

Về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận nhà đất tại Việt Nam, ông Dư Huy Quang cho biết, điều kiện đầu tiên là người Việt Nam ở nước ngoài phải nhập cảnh về Việt Nam. Và khi nhập cảnh về Việt Nam, sẽ có hai tình huống: nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam hoặc nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài. Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam, thì hộ chiếu phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu. Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo “điều kiện phụ” là có giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam (do Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp).

ĐƯỜNG LOAN (Theo SGGP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét