Trang

1/9/14

Canh bạc bản quyền của người làm sách

Bỏ ra hàng chục nghìn USD để mua bản quyền nhưng có trường hợp chưa kịp in, các nhà xuất bản đã cầm chắc lỗ vốn khi thấy sách lậu xuất hiện trên thị trường.

Nói về những rủi ro tài chính của các nhà xuất bản khi đối mặt với sách lậu, người trong nghề vẫn còn lan truyền câu chuyện “thách chiến” của ông Giám đốc nhà sách Bách Việt.

Giữa năm 2007, khi mới chân ướt chân ráo bước vào ngành, một trong những sản phẩm đầu tay của đơn vị này là cuốn “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” (tác giả Trang Hạ) đã sớm bị giới đầu nậu sách in lậu. Trong khi sách ngoài luồng giá 7.000 đồng thì giá bìa công ty là 13.000 đồng mỗi cuốn, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ ế hàng.

Tình thế buộc Bách Việt phải nhận lời "thách chiến" bằng việc hạ giá sách của mình xuống một nửa. Kết cục của câu chuyện được người trong giới đồn rằng, kẻ in sách lậu đã phải mang toàn bộ 1.500 bản đến tận công ty “giao nộp” và xin đầu hàng.

Nhớ lại câu chuyện này, Giám đốc Bách Việt - Lê Thanh Huy nói rằng nếu hiện giờ mà vẫn “chiến” kiểu đấy thì chưa biết bên nào chết trước. “Nói vậy để thấy những thua thiệt về kinh tế là rất thường trực. Cũng may, những lời thách kiểu ấy đã không lặp lại, chứ nếu có, chưa chắc mình dám dùng lại chiêu này”, ông Huy thừa nhận.

Tuy nhiên, theo ông cái đáng sợ hơn khi được giới in lậu “quan tâm” là sự mài mòn về uy tín của những người làm sách đàng hoàng. “Không phải bạn đọc nào cầm cuốn sách lên cũng biết đấy là hàng lậu, hàng giả. Nhưng khi phát hiện ra lỗi nào đấy thì họ thường đổ cho nhà sách trước khi đổ cho nhà làm lậu. Lâu dần, sự mất uy tín với bạn đọc vì điều mình không gây ra mà vẫn phải chịu. Tai hại hơn, đấy là sự thua thiệt rất khó đong đếm ngay được”, vị giám đốc nhìn nhận.


Sách lậu vẫn đang ngang nhiên hoành hàng trên thị trường. Ảnh: FN.

Cam kết 100% sách có bản quyền, Giám đốc Sách Thái Hà - Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ không ít đoạn trường khi sách của công ty bị in lậu. Khi cuốn “Tứ thư lãnh đạo” được mua bản quyền tiếng Việt trên toàn thế giới còn chưa kịp công ty mang đi in thì ngoài thị trường chợ đen đã có. Sự việc này khiến nhà sách phải đứng trước vấn đề rất hóc búa là nên in tiếp hay dừng.

Khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp đặt câu hỏi, nếu in ra không bán được thì lỗ và mất uy tín vì bạn đọc không phải ai cũng phân biệt được sách thật lẫn sách giả, cả nội dung lẫn hình thức. Song một khi đã in thì phải làm sao vượt trội, trước mắt về hình thức và cách tiếp thị để lôi kéo bạn đọc.

Cuối cùng doanh nghiệp đã chọn cách thứ hai và sau đó là cả đoạn trường đi tiếp thị. Ông Hùng kể rằng, bìa sách đã được làm rất dày, rất nổi, bắt mắt. Tiếp đó là gửi văn bản đến từng nơi đang bán sách lậu, rồi đích thân ông đi gặp trực tiếp lãnh đạo các đơn vị phân phối uy tín để mặc cả về một điều mà đáng ra là lẽ tự nhiên với những người làm sách, yêu sách - ấy là không dùng hàng lậu.

Là người phụ trách vấn đề bản quyền và hợp tác quốc tế của Hội Xuất bản Việt Nam, ông Hùng cũng kể, nhiều lần ông bị đối tác nước ngoài nói rát tai về chuyện bị ăn cắp bản quyền. “Giải thích mãi nhưng vì chưa sang Việt Nam nên họ… không tin. Không tiện kể tên nhưng chúng tôi đã từng bị đối tác từ chối bán tiếp bản quyền vì sách bị làm lậu trước đó”, ông Hùng nói.

Nhắc đến câu chuyện First News vừa thua kiện một xưởng in sách lậu mới đây, ông Hùng “chán đến vô cùng”. Theo ông, chưa bàn đến phán quyết ấy đúng sai thế nào, nhưng kết quả như vậy chẳng khác nào “một đòn mạnh giáng vào người làm nghề đàng hoàng”.

Bộc bạch với Vnexpress, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cũng không khỏi ngậm ngùi khi tâm huyết và công sức của cả một tập thể bị bỏ qua.

"Vụ kiện đã khiến công ty đã mất quá nhiều công sức từ 2011 đến nay. Thế nhưng, khi xét xử nhà chức trách lại bác bỏ và cho rằng đơn vị đóng lại sách không vi phạm khiến chúng tôi hụt hẫng", ông Phước thổ lộ. Ông cho biết, công ty tiếp tục kháng cáo lên Giám đốc thẩm Tòa án tối cao vì cho rằng có sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ kiện vừa qua.

Theo ông Phước, để xuất bản ra một cuốn sách, First News phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Riêng những cuốn sách dày, công phu phải mất tới 3 năm. Ngoài việc trả tiền bản quyền, công ty còn phải trả hàng loạt chi phí như: dịch thuật, biên tập, thiết kế, ý tưởng, truyền thông, thuế, quản lý phí. Thế nhưng sách vừa phát hành được một tuần là sách lậu đã xuất hiện, bởi các cơ sở in lậu chỉ phải làm mỗi một việc là gõ lại, hoặc chụp scan mà không cần phải mất thêm bất kỳ chi phí nào, trong khi sách lậu bán ra nhiều khi có giá còn cao hơn cả sách thật 30%-40% để rồi giảm giá 50-60% nhằm thu hút người mua. Do vậy, có những đầu sách công ty phải chịu lỗ.

Theo thống kê ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, một số đầu sách hay và bán chạy như Đắc Nhân Tâm, Quảng Gánh Lo Đi và Vui sống, Hạt Giống Tâm Hồn... cứ 6 cuốn sách bán ra thị trường thì chỉ có một cuốn của First News, còn lại là hàng lậu.

Trong khi đó, khi ký kết đăng ký bản quyền với các đơn vị xuất bản sách quốc tế, công ty phải chịu nhiều điều kiện khắt khe về bản quyền. Đồng thời phải cam kết số lượng phát hành hàng năm. Nếu không đủ số lượng, đơn vị cung cấp sẽ áp tiền bản quyền hàng năm tùy theo mức độ đã thực hiện trước đó. Có những tựa sách NXB gốc yêu cầu đơn vị mua bản quyền phải cam kết một năm công ty phải xuất bản được 5.000-10.000 cuốn họ mới ký.

“Đối với một số đầu sách, công ty phải bán khoảng 3.000-5.000 cuốn lần đầu mới mong hòa vốn. Tuy nhiên, tình trạng in lậu gia tăng, khiến lượng sách bán ra mỗi năm giảm mạnh. Nhiều cuốn sách dù rất có tiếng trên thị trường nhưng một năm chỉ tiêu thụ được 800-1.000 bản. Buộc chúng tôi phải giải trình với đơn vị bán bản quyền, NXB nước ngoài”, ông Phước tâm sự. 

Qua nhiều năm, để ngăn chặn tình trạng in giả, công ty này buộc phải tổ chức một “biệt đội” bắt sách lậu. Tính từ trước đến nay First News đã bắt được khoảng hơn 30 vụ in lậu và vi phạm bản quyền với 180 đầu sách bị in lậu trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn ngày một trắng trợn công khai, bởi lẽ, vẫn còn nhiều điều khuất tất và tiêu cực xã hội. Vô hình chung, cơ sở làm ăn gian dối lại được “bao che, núp bóng”, còn các đơn vị kinh doanh minh bạch phải “đứng mũi chịu sào”.

“Tôi mong rằng, Nhà nước cần có biện pháp tích cực và mạnh mẽ, chỉ đạo kiên định hơn trong việc xử lý tội làm hàng giả, in sách lậu. Gần đây, Luật Xuất bản Việt Nam đã quy định tội tham gia in sách lậu có thể bị chế tài và xử theo bộ luật hình sự, nhưng không ghi rõ mức độ vi phạm và hình thức chế tài kèm theo. Cho nên, cơ quan chức năng cần đưa ra mức xử lý rõ ràng và cụ thể hơn, để tránh xảy ra những tiêu cực khi xử lý ”, ông Phước nói thêm

Hồng Châu - Chí Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét