Trang

14/9/14

Quốc Vượng: 'Việt Nam cần nhiều bầu Đức, U19 phải có thêm những thất bại'

Cựu tuyển thủ U23 cho rằng sự thăng hoa của U19 gần đây là hiện tượng chứ không phải bản chất của một nền bóng đá, và để phát triển Việt Nam cần rất nhiều người như bầu Đức.

Lần thứ ba lọt vào chung kết một giải đấu trong một năm qua, U19 Việt Nam chưa thể giành chức vô địch. Hôm qua 13/9 họ chịu thất bại 0-1 trước U19 Nhật Bản ở giải vô địch U19 Đông Nam Á Mở rộng, dù có bước tiến lớn về mặt thế trận, tâm lý và đấu pháp.

"Theo tôi, U19 Nhật Bản đã có một trận đấu chặt chẽ và hợp lý", cựu tuyển thủ Lê Quốc Vượng chia sẻ với VnExpress. "Gần như không có bất cứ khoảng trống nào lộ ra trong 90 phút để các cầu thủ Việt Nam có thể khai thác. Nỗ lực đột phá của Công Phượng và các đồng đội là chưa đủ để đối phương mắc sai sót. Sự khác biệt còn nằm ở mặt thể lực, thể hiện qua việc đội bóng của chúng ta luôn thất bại trong những pha một đối một quyết định".

"Suốt mấy năm qua, các tuyển thủ thuộc Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG chủ yếu tập luyện tư duy chiến thuật. Được mặt này ắt mất mặt khác. Điều quan trọng là các cầu thủ đã có được nền tảng tư duy tốt, bây giờ nâng cao thể chất là điều HLV Guillaume Greachen cần phải tăng cường lưu tâm".
a3-3256-1410686254.jpg
Nhật Bản (xanh) vẫn ở đẳng cấp cao hơn nhiều so với Việt Nam. Ảnh: Lâm Thoả.
Đồng quan điểm với HLV người Pháp, Quốc Vượng thừa nhận đẳng cấp của Nhật Bản có được lúc này nhờ họ đi trước Việt Nam nhiều năm. "Thể hình U19 Nhật Bản không hơn chúng ta là bao, nhưng họ nhỉnh hơn về tư duy chơi bóng, thể lực và bản lĩnh trận mạc. Chúng ta vẫn còn khoảng cách với đối thủ là điều không bàn cãi. U19 Nhật Bản đưa đội hình còn thiếu nhiều ngôi sao lớn mà đá chặt chẽ, kỷ luật như thế. Đến vòng chung kết U19 châu Á sắp tới, họ sẽ còn đáng sợ hơn nữa. Khoảng cách đẳng cấp giữa hai đội không thể xóa đi trong một sớm một chiều. Họ có được sự hoàn thiện từ tuyến đào tạo trẻ ở cấp CLB từ lâu rồi. Có chân gốc tốt từ bóng đá trẻ, bóng đá Nhật giờ là số một châu Á. Còn ở ta mới chỉ có CLB Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức mở được học viện như thế".
Cựu tiền vệ Sông Lam Nghệ An cho biết thêm thắng bại với U19 Việt Nam bây giờ không quan trọng. "U19 Việt Nam thực tế là quân của bầu Đức chứ chưa phải sự tập hợp tinh hoa của cả một nền bóng đá. Tôi nói như vậy bởi thực tế mới chỉ có mỗi bầu Đức làm bóng đá trẻ chuẩn mực theo kiểu châu Âu. Đây mới chỉ là một hiện tượng chứ chưa thành bản chất của cả nền bóng đá. Tôi nghĩ phải có thêm vài bầu Đức như thế, bóng đá Việt Nam mới nghĩ đến chuyện đuổi kịp Nhật Bản sau năm đến bảy năm".
a4-4434-1410686254.jpg
Giấc mơ vươn tầm vẫn là câu chuyện dài của bóng đá Việt Nam. Ảnh:Giang Huy.
Không ít lời khen ngợi cho U19 Việt Nam, Quốc Vượng cho biết thêm người hâm mộ đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng khiến áp lực thành tích tác động lên U19 Việt Nam. "Thời điểm này, bóng đá Việt Nam còn thua xa các đối thủ ở nhóm đầu châu lục. Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt mục tiêu với U19 Việt Nam phải vượt qua vòng bảng vòng chung kết U19 châu Á ở Myanmar tháng 10 tới. Về nhiều mặt, chúng ta còn thua Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nên việc cọ xát nâng cao trình độ là điều cần làm. Các em cần được phát triển bình thường thay vì đốt cháy giai đoạn ở thời điểm này".
"Tuyển Olympic Việt Nam từng thắng Olympic Hàn Quốc năm 2003, song đó chỉ là cảm giác hạnh phúc nhất thời cho người hâm mộ. Còn chúng ta chủ yếu vẫn thất bại bởi khoảng cách trình độ ở cấp đội tuyển còn rất xa. Những chiến thắng ở tuổi U19 với các em không quan trọng bằng những chiến thắng ở đội Olympic và cấp đội tuyển quốc gia sau này. Tôi mong các em có thêm nhiều cơ hội để thi đấu, thậm chí vấp ngã đau đớn, để rồi có thể thắng chính Nhật Bản, Australia vài năm sau. Lúc ấy mới có thể luận anh hùng và khẳng định bóng đá Việt Nam đã có bước tiến thật sự để tiệm cận trình độ những đội tuyển hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Iran...", Quốc Vượt kết luận trong cuộc trò chuyện với VnExpress.  
  Anh Tuấn

1/9/14

Canh bạc bản quyền của người làm sách

Bỏ ra hàng chục nghìn USD để mua bản quyền nhưng có trường hợp chưa kịp in, các nhà xuất bản đã cầm chắc lỗ vốn khi thấy sách lậu xuất hiện trên thị trường.

Nói về những rủi ro tài chính của các nhà xuất bản khi đối mặt với sách lậu, người trong nghề vẫn còn lan truyền câu chuyện “thách chiến” của ông Giám đốc nhà sách Bách Việt.

Giữa năm 2007, khi mới chân ướt chân ráo bước vào ngành, một trong những sản phẩm đầu tay của đơn vị này là cuốn “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” (tác giả Trang Hạ) đã sớm bị giới đầu nậu sách in lậu. Trong khi sách ngoài luồng giá 7.000 đồng thì giá bìa công ty là 13.000 đồng mỗi cuốn, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ ế hàng.

Tình thế buộc Bách Việt phải nhận lời "thách chiến" bằng việc hạ giá sách của mình xuống một nửa. Kết cục của câu chuyện được người trong giới đồn rằng, kẻ in sách lậu đã phải mang toàn bộ 1.500 bản đến tận công ty “giao nộp” và xin đầu hàng.

Nhớ lại câu chuyện này, Giám đốc Bách Việt - Lê Thanh Huy nói rằng nếu hiện giờ mà vẫn “chiến” kiểu đấy thì chưa biết bên nào chết trước. “Nói vậy để thấy những thua thiệt về kinh tế là rất thường trực. Cũng may, những lời thách kiểu ấy đã không lặp lại, chứ nếu có, chưa chắc mình dám dùng lại chiêu này”, ông Huy thừa nhận.

Tuy nhiên, theo ông cái đáng sợ hơn khi được giới in lậu “quan tâm” là sự mài mòn về uy tín của những người làm sách đàng hoàng. “Không phải bạn đọc nào cầm cuốn sách lên cũng biết đấy là hàng lậu, hàng giả. Nhưng khi phát hiện ra lỗi nào đấy thì họ thường đổ cho nhà sách trước khi đổ cho nhà làm lậu. Lâu dần, sự mất uy tín với bạn đọc vì điều mình không gây ra mà vẫn phải chịu. Tai hại hơn, đấy là sự thua thiệt rất khó đong đếm ngay được”, vị giám đốc nhìn nhận.


Sách lậu vẫn đang ngang nhiên hoành hàng trên thị trường. Ảnh: FN.

Cam kết 100% sách có bản quyền, Giám đốc Sách Thái Hà - Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ không ít đoạn trường khi sách của công ty bị in lậu. Khi cuốn “Tứ thư lãnh đạo” được mua bản quyền tiếng Việt trên toàn thế giới còn chưa kịp công ty mang đi in thì ngoài thị trường chợ đen đã có. Sự việc này khiến nhà sách phải đứng trước vấn đề rất hóc búa là nên in tiếp hay dừng.

Khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp đặt câu hỏi, nếu in ra không bán được thì lỗ và mất uy tín vì bạn đọc không phải ai cũng phân biệt được sách thật lẫn sách giả, cả nội dung lẫn hình thức. Song một khi đã in thì phải làm sao vượt trội, trước mắt về hình thức và cách tiếp thị để lôi kéo bạn đọc.

Cuối cùng doanh nghiệp đã chọn cách thứ hai và sau đó là cả đoạn trường đi tiếp thị. Ông Hùng kể rằng, bìa sách đã được làm rất dày, rất nổi, bắt mắt. Tiếp đó là gửi văn bản đến từng nơi đang bán sách lậu, rồi đích thân ông đi gặp trực tiếp lãnh đạo các đơn vị phân phối uy tín để mặc cả về một điều mà đáng ra là lẽ tự nhiên với những người làm sách, yêu sách - ấy là không dùng hàng lậu.

Là người phụ trách vấn đề bản quyền và hợp tác quốc tế của Hội Xuất bản Việt Nam, ông Hùng cũng kể, nhiều lần ông bị đối tác nước ngoài nói rát tai về chuyện bị ăn cắp bản quyền. “Giải thích mãi nhưng vì chưa sang Việt Nam nên họ… không tin. Không tiện kể tên nhưng chúng tôi đã từng bị đối tác từ chối bán tiếp bản quyền vì sách bị làm lậu trước đó”, ông Hùng nói.

Nhắc đến câu chuyện First News vừa thua kiện một xưởng in sách lậu mới đây, ông Hùng “chán đến vô cùng”. Theo ông, chưa bàn đến phán quyết ấy đúng sai thế nào, nhưng kết quả như vậy chẳng khác nào “một đòn mạnh giáng vào người làm nghề đàng hoàng”.

Bộc bạch với Vnexpress, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cũng không khỏi ngậm ngùi khi tâm huyết và công sức của cả một tập thể bị bỏ qua.

"Vụ kiện đã khiến công ty đã mất quá nhiều công sức từ 2011 đến nay. Thế nhưng, khi xét xử nhà chức trách lại bác bỏ và cho rằng đơn vị đóng lại sách không vi phạm khiến chúng tôi hụt hẫng", ông Phước thổ lộ. Ông cho biết, công ty tiếp tục kháng cáo lên Giám đốc thẩm Tòa án tối cao vì cho rằng có sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ kiện vừa qua.

Theo ông Phước, để xuất bản ra một cuốn sách, First News phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Riêng những cuốn sách dày, công phu phải mất tới 3 năm. Ngoài việc trả tiền bản quyền, công ty còn phải trả hàng loạt chi phí như: dịch thuật, biên tập, thiết kế, ý tưởng, truyền thông, thuế, quản lý phí. Thế nhưng sách vừa phát hành được một tuần là sách lậu đã xuất hiện, bởi các cơ sở in lậu chỉ phải làm mỗi một việc là gõ lại, hoặc chụp scan mà không cần phải mất thêm bất kỳ chi phí nào, trong khi sách lậu bán ra nhiều khi có giá còn cao hơn cả sách thật 30%-40% để rồi giảm giá 50-60% nhằm thu hút người mua. Do vậy, có những đầu sách công ty phải chịu lỗ.

Theo thống kê ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, một số đầu sách hay và bán chạy như Đắc Nhân Tâm, Quảng Gánh Lo Đi và Vui sống, Hạt Giống Tâm Hồn... cứ 6 cuốn sách bán ra thị trường thì chỉ có một cuốn của First News, còn lại là hàng lậu.

Trong khi đó, khi ký kết đăng ký bản quyền với các đơn vị xuất bản sách quốc tế, công ty phải chịu nhiều điều kiện khắt khe về bản quyền. Đồng thời phải cam kết số lượng phát hành hàng năm. Nếu không đủ số lượng, đơn vị cung cấp sẽ áp tiền bản quyền hàng năm tùy theo mức độ đã thực hiện trước đó. Có những tựa sách NXB gốc yêu cầu đơn vị mua bản quyền phải cam kết một năm công ty phải xuất bản được 5.000-10.000 cuốn họ mới ký.

“Đối với một số đầu sách, công ty phải bán khoảng 3.000-5.000 cuốn lần đầu mới mong hòa vốn. Tuy nhiên, tình trạng in lậu gia tăng, khiến lượng sách bán ra mỗi năm giảm mạnh. Nhiều cuốn sách dù rất có tiếng trên thị trường nhưng một năm chỉ tiêu thụ được 800-1.000 bản. Buộc chúng tôi phải giải trình với đơn vị bán bản quyền, NXB nước ngoài”, ông Phước tâm sự. 

Qua nhiều năm, để ngăn chặn tình trạng in giả, công ty này buộc phải tổ chức một “biệt đội” bắt sách lậu. Tính từ trước đến nay First News đã bắt được khoảng hơn 30 vụ in lậu và vi phạm bản quyền với 180 đầu sách bị in lậu trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn ngày một trắng trợn công khai, bởi lẽ, vẫn còn nhiều điều khuất tất và tiêu cực xã hội. Vô hình chung, cơ sở làm ăn gian dối lại được “bao che, núp bóng”, còn các đơn vị kinh doanh minh bạch phải “đứng mũi chịu sào”.

“Tôi mong rằng, Nhà nước cần có biện pháp tích cực và mạnh mẽ, chỉ đạo kiên định hơn trong việc xử lý tội làm hàng giả, in sách lậu. Gần đây, Luật Xuất bản Việt Nam đã quy định tội tham gia in sách lậu có thể bị chế tài và xử theo bộ luật hình sự, nhưng không ghi rõ mức độ vi phạm và hình thức chế tài kèm theo. Cho nên, cơ quan chức năng cần đưa ra mức xử lý rõ ràng và cụ thể hơn, để tránh xảy ra những tiêu cực khi xử lý ”, ông Phước nói thêm

Hồng Châu - Chí Hiếu