Trang

14/9/14

Quốc Vượng: 'Việt Nam cần nhiều bầu Đức, U19 phải có thêm những thất bại'

Cựu tuyển thủ U23 cho rằng sự thăng hoa của U19 gần đây là hiện tượng chứ không phải bản chất của một nền bóng đá, và để phát triển Việt Nam cần rất nhiều người như bầu Đức.

Lần thứ ba lọt vào chung kết một giải đấu trong một năm qua, U19 Việt Nam chưa thể giành chức vô địch. Hôm qua 13/9 họ chịu thất bại 0-1 trước U19 Nhật Bản ở giải vô địch U19 Đông Nam Á Mở rộng, dù có bước tiến lớn về mặt thế trận, tâm lý và đấu pháp.

"Theo tôi, U19 Nhật Bản đã có một trận đấu chặt chẽ và hợp lý", cựu tuyển thủ Lê Quốc Vượng chia sẻ với VnExpress. "Gần như không có bất cứ khoảng trống nào lộ ra trong 90 phút để các cầu thủ Việt Nam có thể khai thác. Nỗ lực đột phá của Công Phượng và các đồng đội là chưa đủ để đối phương mắc sai sót. Sự khác biệt còn nằm ở mặt thể lực, thể hiện qua việc đội bóng của chúng ta luôn thất bại trong những pha một đối một quyết định".

"Suốt mấy năm qua, các tuyển thủ thuộc Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG chủ yếu tập luyện tư duy chiến thuật. Được mặt này ắt mất mặt khác. Điều quan trọng là các cầu thủ đã có được nền tảng tư duy tốt, bây giờ nâng cao thể chất là điều HLV Guillaume Greachen cần phải tăng cường lưu tâm".
a3-3256-1410686254.jpg
Nhật Bản (xanh) vẫn ở đẳng cấp cao hơn nhiều so với Việt Nam. Ảnh: Lâm Thoả.
Đồng quan điểm với HLV người Pháp, Quốc Vượng thừa nhận đẳng cấp của Nhật Bản có được lúc này nhờ họ đi trước Việt Nam nhiều năm. "Thể hình U19 Nhật Bản không hơn chúng ta là bao, nhưng họ nhỉnh hơn về tư duy chơi bóng, thể lực và bản lĩnh trận mạc. Chúng ta vẫn còn khoảng cách với đối thủ là điều không bàn cãi. U19 Nhật Bản đưa đội hình còn thiếu nhiều ngôi sao lớn mà đá chặt chẽ, kỷ luật như thế. Đến vòng chung kết U19 châu Á sắp tới, họ sẽ còn đáng sợ hơn nữa. Khoảng cách đẳng cấp giữa hai đội không thể xóa đi trong một sớm một chiều. Họ có được sự hoàn thiện từ tuyến đào tạo trẻ ở cấp CLB từ lâu rồi. Có chân gốc tốt từ bóng đá trẻ, bóng đá Nhật giờ là số một châu Á. Còn ở ta mới chỉ có CLB Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức mở được học viện như thế".
Cựu tiền vệ Sông Lam Nghệ An cho biết thêm thắng bại với U19 Việt Nam bây giờ không quan trọng. "U19 Việt Nam thực tế là quân của bầu Đức chứ chưa phải sự tập hợp tinh hoa của cả một nền bóng đá. Tôi nói như vậy bởi thực tế mới chỉ có mỗi bầu Đức làm bóng đá trẻ chuẩn mực theo kiểu châu Âu. Đây mới chỉ là một hiện tượng chứ chưa thành bản chất của cả nền bóng đá. Tôi nghĩ phải có thêm vài bầu Đức như thế, bóng đá Việt Nam mới nghĩ đến chuyện đuổi kịp Nhật Bản sau năm đến bảy năm".
a4-4434-1410686254.jpg
Giấc mơ vươn tầm vẫn là câu chuyện dài của bóng đá Việt Nam. Ảnh:Giang Huy.
Không ít lời khen ngợi cho U19 Việt Nam, Quốc Vượng cho biết thêm người hâm mộ đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng khiến áp lực thành tích tác động lên U19 Việt Nam. "Thời điểm này, bóng đá Việt Nam còn thua xa các đối thủ ở nhóm đầu châu lục. Tôi cho rằng chúng ta không nên đặt mục tiêu với U19 Việt Nam phải vượt qua vòng bảng vòng chung kết U19 châu Á ở Myanmar tháng 10 tới. Về nhiều mặt, chúng ta còn thua Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nên việc cọ xát nâng cao trình độ là điều cần làm. Các em cần được phát triển bình thường thay vì đốt cháy giai đoạn ở thời điểm này".
"Tuyển Olympic Việt Nam từng thắng Olympic Hàn Quốc năm 2003, song đó chỉ là cảm giác hạnh phúc nhất thời cho người hâm mộ. Còn chúng ta chủ yếu vẫn thất bại bởi khoảng cách trình độ ở cấp đội tuyển còn rất xa. Những chiến thắng ở tuổi U19 với các em không quan trọng bằng những chiến thắng ở đội Olympic và cấp đội tuyển quốc gia sau này. Tôi mong các em có thêm nhiều cơ hội để thi đấu, thậm chí vấp ngã đau đớn, để rồi có thể thắng chính Nhật Bản, Australia vài năm sau. Lúc ấy mới có thể luận anh hùng và khẳng định bóng đá Việt Nam đã có bước tiến thật sự để tiệm cận trình độ những đội tuyển hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Iran...", Quốc Vượt kết luận trong cuộc trò chuyện với VnExpress.  
  Anh Tuấn

1/9/14

Canh bạc bản quyền của người làm sách

Bỏ ra hàng chục nghìn USD để mua bản quyền nhưng có trường hợp chưa kịp in, các nhà xuất bản đã cầm chắc lỗ vốn khi thấy sách lậu xuất hiện trên thị trường.

Nói về những rủi ro tài chính của các nhà xuất bản khi đối mặt với sách lậu, người trong nghề vẫn còn lan truyền câu chuyện “thách chiến” của ông Giám đốc nhà sách Bách Việt.

Giữa năm 2007, khi mới chân ướt chân ráo bước vào ngành, một trong những sản phẩm đầu tay của đơn vị này là cuốn “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” (tác giả Trang Hạ) đã sớm bị giới đầu nậu sách in lậu. Trong khi sách ngoài luồng giá 7.000 đồng thì giá bìa công ty là 13.000 đồng mỗi cuốn, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ ế hàng.

Tình thế buộc Bách Việt phải nhận lời "thách chiến" bằng việc hạ giá sách của mình xuống một nửa. Kết cục của câu chuyện được người trong giới đồn rằng, kẻ in sách lậu đã phải mang toàn bộ 1.500 bản đến tận công ty “giao nộp” và xin đầu hàng.

Nhớ lại câu chuyện này, Giám đốc Bách Việt - Lê Thanh Huy nói rằng nếu hiện giờ mà vẫn “chiến” kiểu đấy thì chưa biết bên nào chết trước. “Nói vậy để thấy những thua thiệt về kinh tế là rất thường trực. Cũng may, những lời thách kiểu ấy đã không lặp lại, chứ nếu có, chưa chắc mình dám dùng lại chiêu này”, ông Huy thừa nhận.

Tuy nhiên, theo ông cái đáng sợ hơn khi được giới in lậu “quan tâm” là sự mài mòn về uy tín của những người làm sách đàng hoàng. “Không phải bạn đọc nào cầm cuốn sách lên cũng biết đấy là hàng lậu, hàng giả. Nhưng khi phát hiện ra lỗi nào đấy thì họ thường đổ cho nhà sách trước khi đổ cho nhà làm lậu. Lâu dần, sự mất uy tín với bạn đọc vì điều mình không gây ra mà vẫn phải chịu. Tai hại hơn, đấy là sự thua thiệt rất khó đong đếm ngay được”, vị giám đốc nhìn nhận.


Sách lậu vẫn đang ngang nhiên hoành hàng trên thị trường. Ảnh: FN.

Cam kết 100% sách có bản quyền, Giám đốc Sách Thái Hà - Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ không ít đoạn trường khi sách của công ty bị in lậu. Khi cuốn “Tứ thư lãnh đạo” được mua bản quyền tiếng Việt trên toàn thế giới còn chưa kịp công ty mang đi in thì ngoài thị trường chợ đen đã có. Sự việc này khiến nhà sách phải đứng trước vấn đề rất hóc búa là nên in tiếp hay dừng.

Khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp đặt câu hỏi, nếu in ra không bán được thì lỗ và mất uy tín vì bạn đọc không phải ai cũng phân biệt được sách thật lẫn sách giả, cả nội dung lẫn hình thức. Song một khi đã in thì phải làm sao vượt trội, trước mắt về hình thức và cách tiếp thị để lôi kéo bạn đọc.

Cuối cùng doanh nghiệp đã chọn cách thứ hai và sau đó là cả đoạn trường đi tiếp thị. Ông Hùng kể rằng, bìa sách đã được làm rất dày, rất nổi, bắt mắt. Tiếp đó là gửi văn bản đến từng nơi đang bán sách lậu, rồi đích thân ông đi gặp trực tiếp lãnh đạo các đơn vị phân phối uy tín để mặc cả về một điều mà đáng ra là lẽ tự nhiên với những người làm sách, yêu sách - ấy là không dùng hàng lậu.

Là người phụ trách vấn đề bản quyền và hợp tác quốc tế của Hội Xuất bản Việt Nam, ông Hùng cũng kể, nhiều lần ông bị đối tác nước ngoài nói rát tai về chuyện bị ăn cắp bản quyền. “Giải thích mãi nhưng vì chưa sang Việt Nam nên họ… không tin. Không tiện kể tên nhưng chúng tôi đã từng bị đối tác từ chối bán tiếp bản quyền vì sách bị làm lậu trước đó”, ông Hùng nói.

Nhắc đến câu chuyện First News vừa thua kiện một xưởng in sách lậu mới đây, ông Hùng “chán đến vô cùng”. Theo ông, chưa bàn đến phán quyết ấy đúng sai thế nào, nhưng kết quả như vậy chẳng khác nào “một đòn mạnh giáng vào người làm nghề đàng hoàng”.

Bộc bạch với Vnexpress, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News cũng không khỏi ngậm ngùi khi tâm huyết và công sức của cả một tập thể bị bỏ qua.

"Vụ kiện đã khiến công ty đã mất quá nhiều công sức từ 2011 đến nay. Thế nhưng, khi xét xử nhà chức trách lại bác bỏ và cho rằng đơn vị đóng lại sách không vi phạm khiến chúng tôi hụt hẫng", ông Phước thổ lộ. Ông cho biết, công ty tiếp tục kháng cáo lên Giám đốc thẩm Tòa án tối cao vì cho rằng có sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ kiện vừa qua.

Theo ông Phước, để xuất bản ra một cuốn sách, First News phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Riêng những cuốn sách dày, công phu phải mất tới 3 năm. Ngoài việc trả tiền bản quyền, công ty còn phải trả hàng loạt chi phí như: dịch thuật, biên tập, thiết kế, ý tưởng, truyền thông, thuế, quản lý phí. Thế nhưng sách vừa phát hành được một tuần là sách lậu đã xuất hiện, bởi các cơ sở in lậu chỉ phải làm mỗi một việc là gõ lại, hoặc chụp scan mà không cần phải mất thêm bất kỳ chi phí nào, trong khi sách lậu bán ra nhiều khi có giá còn cao hơn cả sách thật 30%-40% để rồi giảm giá 50-60% nhằm thu hút người mua. Do vậy, có những đầu sách công ty phải chịu lỗ.

Theo thống kê ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, một số đầu sách hay và bán chạy như Đắc Nhân Tâm, Quảng Gánh Lo Đi và Vui sống, Hạt Giống Tâm Hồn... cứ 6 cuốn sách bán ra thị trường thì chỉ có một cuốn của First News, còn lại là hàng lậu.

Trong khi đó, khi ký kết đăng ký bản quyền với các đơn vị xuất bản sách quốc tế, công ty phải chịu nhiều điều kiện khắt khe về bản quyền. Đồng thời phải cam kết số lượng phát hành hàng năm. Nếu không đủ số lượng, đơn vị cung cấp sẽ áp tiền bản quyền hàng năm tùy theo mức độ đã thực hiện trước đó. Có những tựa sách NXB gốc yêu cầu đơn vị mua bản quyền phải cam kết một năm công ty phải xuất bản được 5.000-10.000 cuốn họ mới ký.

“Đối với một số đầu sách, công ty phải bán khoảng 3.000-5.000 cuốn lần đầu mới mong hòa vốn. Tuy nhiên, tình trạng in lậu gia tăng, khiến lượng sách bán ra mỗi năm giảm mạnh. Nhiều cuốn sách dù rất có tiếng trên thị trường nhưng một năm chỉ tiêu thụ được 800-1.000 bản. Buộc chúng tôi phải giải trình với đơn vị bán bản quyền, NXB nước ngoài”, ông Phước tâm sự. 

Qua nhiều năm, để ngăn chặn tình trạng in giả, công ty này buộc phải tổ chức một “biệt đội” bắt sách lậu. Tính từ trước đến nay First News đã bắt được khoảng hơn 30 vụ in lậu và vi phạm bản quyền với 180 đầu sách bị in lậu trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn ngày một trắng trợn công khai, bởi lẽ, vẫn còn nhiều điều khuất tất và tiêu cực xã hội. Vô hình chung, cơ sở làm ăn gian dối lại được “bao che, núp bóng”, còn các đơn vị kinh doanh minh bạch phải “đứng mũi chịu sào”.

“Tôi mong rằng, Nhà nước cần có biện pháp tích cực và mạnh mẽ, chỉ đạo kiên định hơn trong việc xử lý tội làm hàng giả, in sách lậu. Gần đây, Luật Xuất bản Việt Nam đã quy định tội tham gia in sách lậu có thể bị chế tài và xử theo bộ luật hình sự, nhưng không ghi rõ mức độ vi phạm và hình thức chế tài kèm theo. Cho nên, cơ quan chức năng cần đưa ra mức xử lý rõ ràng và cụ thể hơn, để tránh xảy ra những tiêu cực khi xử lý ”, ông Phước nói thêm

Hồng Châu - Chí Hiếu

16/8/14

TP HCM di dời Thương xá Tax hơn 130 tuổi

Trung tâm thương mại sầm uất, lâu đời nhất tại Việt Nam này sẽ được TP HCM xây dựng thành cao ốc 40 tầng với tổng số vốn hàng trăm triệu USD.

Theo tiến độ xây dựng dự án tòa tháp cao 40 tầng của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cuối năm nay toàn bộ gian hàng ở Thương xá Tax phải bàn giao mặt bằng để khởi công vào quý 1/2015. 

Tuy nhiên, theo yêu cầu của UBND thành phố, Thương xá Tax phải bàn giao mặt bằng khoảng 500 m2 ở số 39 Lê Lợi cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị để thi công tháp thông gió ga Nhà hát thành phố của tuyến metro số 1. Vì vậy, những đơn vị, cá nhân kinh doanh tại đây sẽ phải chuyển ra khỏi trung tâm thương mại trước tháng 10.
tax-3715-1408170198.jpg
Thương xá Tax được trang hoàng rực rỡ mỗi dịp lễ, tết đã trở nên quen thuộc. Ảnh:Hữu Công.
Từ năm 2010, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho Satra làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn tại Thương xá Tax. Theo thiết kế, Thương xá Tax sẽ được mở rộng và phát triển thành Tax Plaza, một khu phức hợp 40 tầng gồm có trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, triển lãm quốc tế, phòng hội nghị, hầm đậu xe. Còn phương án xây dựng bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà trước đó đã bỏ.

Thương xá Tax hiện là một trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại TP HCM với diện tích 9.200 m2 nằm ngay trung tâm quận 1, tiếp giáp 3 đại lộ mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất thành phố là Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur. 

Được xây dựng vào năm 1880, Thương xá Tax cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (nay là UBND TP HCM) được xem là những biểu tượng của Sài Gòn.

Trung Sơn

30/6/14

Trồng rau thơm thu tiền tỷ

Là người tiên phong đưa các giống rau thơm Tây từ Pháp về trồng, hiện mỗi năm gia đình bà Phạm Thị Thu Cúc (Lâm Đồng) thu về gần 1,2 tỷ đồng từ những loại cây này.
Sau những tháng ngày mệt mỏi vì kinh doanh bất động sản thua lỗ, bà Phạm Thị Thu Cúc quyết đoạn tuyệt với nghề này. Vay mượn thêm tiền bạc, gia đình bà Cúc bỏ Đà Lạt vào vùng Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng mua đất lập vườn, tập làm nông dân.
Vốn liếng hạn hẹp, kỹ thuật không có là những trở lại lớn đối với một người làm nông nghiệp. Sáng ra vườn, tối tìm đến những người có kinh nghiệm trồng rau công nghệ cao trong vùng để học hỏi, áp dụng vào sản xuất, cuối cùng những lô hàng rau sạch của gia đình bà Cúc cũng đã đến được với người tiêu dùng TP HCM.
rauthom-9788-1404022467.jpg
Bà Cúc bên vườn rau thơm Pháp.
Khi thị trường đã quen mặt sản phẩm rau công nghệ cao của gia đình bà Cúc, lãnh đạo một siêu thị lớn tại TP HCM động viên bà Cúc đưa giống rau thơm châu Âu về trồng để cung cấp cho người nước ngoài, siêu thị này cam kết bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất lúc này là rau thơm Tây chỉ hướng tới người dùng nước ngoài, tức chiếm sản lượng tiêu thụ rất ít trong khi chi phí đầu tư sản xuất, hạt giống nhập khẩu giá cao, khả năng thua lỗ là rất lớn nhưng họ vẫn quyết định thực hiện.
Một khó khăn nữa khiến bà Cúc không thể ngờ tới đó là mua hạt giống rau thơm Tây không dễ mặc dù vào thời điểm này, con gái của bà đang du học ở Pháp. “Do mua với số lượng ít nên con gái tôi tìm đến công ty hạt giống nào ở Pháp họ cũng từ chối không bán vì còn liên quan đến hóa đơn, chứng từ…”, bà Cúc cho biết.
Phải khá chật vật và mất nhiều thời gian thuyết phục, kể cả nhờ bạn bè ở nước sở tại tác động, cuối cùng con gái bà Cúc mới mua được hơn 10 loại giống hạt rau thơm Tây như chervil (ngò rí Tây), basil (quế Tây), chocolate mint (bạc hà tây tím), thyme (xạ hương Tây), rosemary (hương thảo Tây)… tại một công ty miền Nam nước Pháp gửi về cho bà Cúc trồng thử.
Đất đã sẵn, giống có trong tay nhưng không có kỹ thuật, gia đình bà Cúc không biết trồng ra sao, thời gian nào trong năm là chính vụ của các loại rau này để gieo trồng? Dò hỏi khắp các mối quan hệ cũng không ai biết cách trồng, chăm sóc loại rau thơm Tây này, cuối cùng bà đành tự mò mẫm gieo trồng, chăm sóc y như trồng các loại rau công nghệ cao ở Đà Lạt, vừa làm vừa theo dõi để điều chỉnh kỹ thuật canh tác.
Sau gần hai tháng, vườn rau thơm Tây trong nhà kính với hơn 10 loại đã đâm chồi, đẻ nhánh phủ kín mặt đất. Siêu thị Metro đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho gia đình bà Cúc. Thế nhưng, trong hàng chục kg rau thơm Tây của gia đình bà Cúc khi đó chuyển xuống TP HCM mỗi ngày chỉ bán được 2-3kg, phần còn lại đều phải đổ bỏ.
Sản phẩm làm ra không bán được dẫn đến thua lỗ không chỉ vài tháng mà kéo dài cả năm nhưng bà Cúc vẫn kiên trì sản xuất, đưa ra thị trường để người tiêu dùng làm quen dần, hy vọng sẽ tiêu thụ tốt trong tương lai.
Đến nay mỗi ngày bà Cúc cho xuất đi TP HCM khoảng 30kg, với giá bán bình quân là 100.000 đồng mỗi kg, tính ra mỗi năm rau thơm Tây cho gia đình bà thu về gần 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình bà Cúc còn trồng nhiều loại hoa màu khác. Hằng ngày bà rất bận rộn vì khắp nơi liên hệ đặt hàng.
Diện tích rau thơm Tây cũng được gia đình bà cho mở rộng từ vài trăm mét lên 4.000 m2 trong nhà kính. Bà Cúc tiết lộ, trong thời gian tới sẽ chế biến các rau thơm Tây thành trà khô thương phẩm. Đây là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ các loại rau mới được di thực về Việt Nam này.
Theo Kiến thức

28/4/14

Giá dưa hấu miền Trung tăng vọt

Mỗi kg dưa hấu ở các tỉnh miền Trung đang được bán ra với giá tới 10.000 đồng, gấp 10 lần thời điểm bị ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn cuối tháng trước. 

Anh Nguyễn Văn Thành, nông dân xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết, liên tục những ngày qua thương lái đưa xe tải về đồng dưa hấu bãi bồi Sông Trà Khúc mua với giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi kg để đưa đi Trung Quốc.

"Nhờ bán được giá cao, trung bình mỗi sào dưa gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn thu lãi 5 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư giống, phân bón", anh Thành phấn khởi nói. 
27-4-Anh-1-Gia-dua-hau-tang-tr-6810-1470
Thương lái thu mua dưa hấu ở các tỉnh miền Trung với giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng. Ảnh:Trí Tín.

Trong khi đó, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, bà con nông dân ở cũng đang phấn khởi vì bán dưa hấu cuối mùa với giá cao. Bà Trần Thị Anh ở xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bộc bạch, những ngày qua vài chục hộ dân xuống giống dưa hấu muộn đã thu hoạch trúng lớn nhờ giá bất ngờ tăng vọt. Có hộ dân trong xã thu lãi hơn 40 triệu đồng. 

Nhiều thương lái thu mua dưa hấu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định cho hay, phía Trung Quốc đang tăng cường nhập để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vào ngày hè. Trong khi đó, vụ dưa hấu ở nhiều tỉnh miền Trung đang rơi vào thời điểm cuối, số lượng giảm đáng kể so với tháng trước nên thương lái nâng giá mua cao.

Diễn biến này trái ngược với cuối tháng trước, khi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) ùn ứ hàng trăm xe dưa. Hàng nghìn hộ nông dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khốn khổ vì dưa hấu rẻ bèo phải đổ bỏ cho trâu, bò ăn thì hiện nay giá cả mặt hàng nông sản này đã tăng đến 10.000 đồng mỗi kg. 

Trước tình hình giá dưa hấu tăng vọt, hàng nghìn nông dân miền Trung tiếc nuối, xót xa vì thu hoạch không đúng thời điểm đã chịu lỗ nặng trong tháng trước. Căn cứ theo giá thị trường 10.000 đồng mỗi kg hiện nay, bà con nông dân ở nhiều vùng dưa hấu đã thu hoạch từ tháng trước như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên mất số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng do bán giá rẻ bèo. 
27-4-Anh-2-Gia-dua-hau-tang-tr-4735-4345
Cánh đồng dưa hấu cuối vụ ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ảnh:Trí Tín.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho rằng, để vùng dưa hấu ở các tỉnh miền Trung vừa được mùa, được giá giúp bà con nông dân thu nhập ổn định, không còn cách nào khác là quy hoạch bài bản, tránh thu hoạch cùng lúc gây ra tình trạng ùn ứ dễ bị thương lái ép giá.
Trí Tín

28/3/14

Dưa hấu ứ ở cửa khẩu khiến nông dân khóc ròng

Tình trạng hơn một nghìn xe tải chở dưa hấu đang bị tắc nghẽn ở cửa khẩu Lạng Sơn khiến nông dân trồng dưa ở miền Trung và miền Nam cũng lo sợ vì giá bán giảm một nửa mà không có người mua.

Sau gần hai tuần, ngày 28/3, tình trạng xe tải xếp hàng dài gần 80 km chờ thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn tiếp tục diễn ra. Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện vẫn còn hơn 1.500 xe chở dưa hấu, thanh long ùn tắc. Cứ một km có một chốt công an đứng phân luồng để hạn chế ùn tắc. Tình trạng dồn ứ này ngay lập tức tác động lên bà con nông dân trồng dưa hấu ở nhiều địa phương.
Xe chở hoa quả dồn ứ nhiều km trên đường lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: T.D.

Những ngày này, về các vùng quê tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, đến nơi đâu cũng nghe bà con nông dân than thở mùa dưa hấu cho năng suất cao nhưng giá rẻ mạt. 

Ông Nguyễn Văn Anh ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ cho hay, vụ dưa năm nay ông trồng 10 sào dưa đạt hơn 20 tấn quả, thế nhưng khi thuê xe tải chở đến cửa khẩu Tân Thanh bán qua Trung Quốc thì bị ùn ứ. "Giá dưa chỉ 600 đồng một kg lại bị thương lái ép giá nên dù vụ này được mùa vẫn thua lỗ hàng chục triệu đồng", ông Anh nói. 

Không bán được dưa cho thương lái chở đi Trung Quốc tiêu thụ, nhiều hộ nông dân mang đi bán lẻ ở các chợ hoặc chất đống dọc quốc lộ 1A bán để vớt vát lại vốn đầu tư. 

Thương lái Trương Thị Phương Lan ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho hay, chưa bao giờ dưa hấu lại chất "cao như núi" tại ruộng và giá rẻ mạt như hiện nay.

"Thấy bà con nông dân bán dưa như cho xót xa lắm, nhưng mình cũng lo lắng không biết mua rồi đưa đi bán ven quốc lộ 1A có được hay không. Trước đây, dưa hấu loại 1 trọng lượng từ 4 đến 8 kg bán cho thương lái Trung Quốc với giá 1.100 đồng mỗi kg, giờ thì họ không mua nữa", bà Lan thổ lộ. 
Hai quả dưa này gần 20kg nhưng giá bán ven QL1A ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) chỉ khoảng 20.000 đồng. Ảnh:Trí Tín.

Thống kê của ngành nông nghiệp Bình Định, vụ dưa năm nay, nông dân trong tỉnh trồng hơn 500 ha dưa, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Trần Tôn ở huyện Tây Sơn (Bình Định) vừa trở về từ cửa khẩu Tân Thanh lắc đầu ngao ngán, chờ chực chở dưa hấu qua cửa khẩu để bán nhưng khi qua rồi lại bị thương lái ép giá chê đủ thứ. "Tức quá muốn đổ đi luôn để trở về, nhưng nghe nói vứt dưa hấu gây ô nhiễm môi trường bị phạt nặng nên đành phải bán rẻ để thoát cảnh dài cổ chờ đợi tốn kém thêm chi phí", ông Tôn bức xúc nói. 

Tại Phú Yên, bà con nông dân trồng dưa hấu cũng đang "dở khóc, dở mếu" vì giá dưa giảm gần 50% so với những năm trước. 

Ông Lê Văn Thành ở huyện Đồng Xuân nhẩm tính, gia đình ông chi hơn 160 triệu đồng để trồng 1,5 ha dưa, sản lượng khoảng 45 tấn. Với giá dưa bán tại ruộng chưa đến 1.000 đồng một kg, ông chịu lỗ 100 triệu đồng.

"Đầu vụ nhiều thương lái ở tỉnh Bình Định vào đây mua dưa hấu xuất đi Trung Quốc nhưng suốt cả tuần qua không thấy họ lấy hàng nữa. Gặng hỏi thì các thương lái bảo phía Trung Quốc không mua nữa", ông Thành lo lắng. 

Không đến nỗi "bi đát" như nông dân miền Trung, nhưng người trồng dưa hấu miền Tây cũng đang đứng trước cảnh được mùa mất giá.

Dọc theo quốc lộ 1A từ huyện Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu đến huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang)… những ngày này có hàng chục vựa dưa hấu bán với giá chỉ bằng một nửa so với trước Tết. Mỗi điểm bán dưa trung bình vài nghìn trái vừa được nông dân thu hoạch.

Bà Đồ Thị Liên ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cùng con gái mang hàng nghìn trái dưa hấu sang địa bàn giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu để "cắm trại" 4 ngày. Năm nay gia đình nông dân này thuê 3 công đất ruộng (3.000m2) với giá 9 triệu đồng trồng dưa hấu vì trước Tết thấy loại nông sản này bán được giá gần 5.000 đồng một kg (tại rẫy).

Dưa hấu giá giảm một nửa, nông dân miền Tây chở ra quốc lộ 1A bán lấy công làm lời. Ảnh: Ái Nam

Trước tình thế quá khó khăn của nông dân trồng dưa, Siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa (Phú Yên) đã bắt đầu liên kết với các siêu thị trong khu vực miền Trung để giúp tiêu thụ dưa hấu. Hiện tại các đầu mối chi nhánh Siêu thị Co.op Mart ở 12 tỉnh, thành miền Trung từ Phan Thiết đến Hà Tĩnh đã ký kết tiêu thụ từ 15 đến 20 tấn dưa, có đơn vị lên đến 30 tấn.

Theo bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, việc siêu thị thu mua dưa của nông dân Phú Yên không chỉ tạo điều kiện để người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận với hàng địa phương giá rẻ, mà còn hỗ trợ đầu ra cho người trồng.

Trong khi đó, ông Lê Hồng Ca, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Quảng Ngãi cho biết thêm, hiện tại chi nhánh siêu thị Quảng Ngãi mới chỉ tiêu thụ dưa hấu ở Phú Yên đưa ra khi ký hợp đồng đầu tiên mua 10 tấn dưa hấu của bà con nông dân tỉnh này với giá 2.000 đồng mỗi kg.

"Chúng tôi đang có nhu cầu tiêu thụ loại nông sản này đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong mùa hè, tuy nhiên muốn đưa dưa hấu vào siêu thị phải tuân thủ nhiều thủ tục nghiêm ngặt như phải có doanh nghiệp làm đầu mối thu mua, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan y tế...", ông Ca nhấn mạnh. 

Trao đổi với VnExpress.net, ông Võ Việt Chính, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi lý giải, do người dân không tuân thủ quy hoạch, tự phát trồng dưa ồ ạt chạy theo thị trường nên lâm vào tình cảnh "được mùa, mất giá". Hiện tại mỗi sào dưa (500 m2) ở các tỉnh miền Trung đạt năng suất cao khoảng 3-4 tấn. 

Trong khi đó, bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết, trước mắt để giúp thương nhân nhanh chóng xuất được hàng qua cửa khẩu, đơn vị đã phải chia ca và bố trí người làm việc từ 7h đến gần 22h. Đối với thủ tục thông quan, nếu đầy đủ giấy tờ chỉ mất 2 phút một xe, nhờ vậy đã giảm được phần nào lượng hàng ùn ứ. Tuy nhiên, do lượng xe tồn đọng quá nhiều mà năng lực kho bãi phía Trung Quốc hạn chế nên mỗi ngày chỉ giải quyết được 300 xe qua cửa khẩu, vì vậy chưa thể giải tỏa được tình trạng ùn tắc trong một vài ngày tới.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã cử đoàn công tác sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đàm phán, đề nghị cho Việt Nam được xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc bằng nhiều cửa khẩu của tỉnh, như Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Chi Ma (huyện Lộc Bình), Bình Nghi, Nà Nưa (Tràng Định)… chứ không chỉ qua duy nhất cửa khẩu Tân Thanh như hiện nay.

Nhóm phóng viên (vnexpress.net)