Ta chơi khá thân với một người bạn già người Anh tên là Anthony, mà ta gọi thân thiện là Tony. Ông ta là người gốc London nhưng lại thích Hà Nội hơn nên đã sống ở Việt Nam được hơn 15 năm rồi và nói tiếng Việt cũng chẳng khác chúng ta tí nào. Ông ta cũng có thể ngồi vỉa hè ăn bún đậu mắm tôm như người Việt, và cũng tếu táo với các trò chơi chữ như những người Việt hay chữ vậy.
Ta nhớ có lần Tony thấy ta đang lúng túng trong một tình huống rất khó xử, ông ta nhìn ta và nói: "Ông bạn già ơi, bây giờ thì cái khó sẽ bó cái khôn hay cái khó ló cái khôn đây?". Ta giật mình cười và thầm phục khả năng dùng tiếng Việt uyên thâm của Tony.
Chưa hết, Tony còn đố mấy cô lễ tân khách sạn mà ta cùng Tony ở khi đi du lịch rằng: "Đố các cô gái nhé, một đống chuột chù mà bơi qua sông thì hỏi có mấy con?". Các cô lễ tân đang nghĩ sao ông già người Anh này đố hâm thế, một đống chuột chù thì biết có bao nhiêu con mà hỏi. Các cô gái đang định nói là không biết thì ông ta phá lên cười to và giải thích: "các cháu không biết ta chơi chữ à, một đống chuột chù nói ngược lại là một chú chuột đồng, như vậy là chỉ có một con chuột bơi qua sông thôi chứ". Nói câu chuyện này ra để thấy rằng Tony am hiểu và sử dụng tiếng Việt thành thạo đến thế nào.
Tiếng Việt khó quá |
Đó là còn chưa kể việc thêm số nhiều vào danh từ nữa chứ. Đã đành các ông muốn phân biệt một và từ hai trở lên bằng cách thêm chữ “s” vào sau các danh từ cũng đã đủ làm chúng tôi nhầm khổ sở khi nói rồi, nhưng cứ thế hẳn đi đã đành, ai lại một bàn chân thì nói là “a foot” nhưng hai bàn chân thì nói là “feet”, rồi một đứa bé thì là “a child” mà hai đứa trở lên thì lại là “children” mới khổ người ta không.
Mà một đàn con gì đó các ông cứ nói là “a group of” tất cả cho rồi ví dụ như một đàn ếch các ông nói là “a group of frogs”, thế nhưng sang con cá hay con sư tử thì lại thành “a school of fish” và “a pride of lions” và đàn chó là “a pack of dogs”, mà trong đàn thì các con cá là số nhiều các ông lại không nói là “a school of fishes” trong khi đó đàn chó hay đàn sư tử thì các ông lại thêm số nhiều vào chữ “dogs” và chữ “lions”… Như thế thì ai theo nổi tiếng Anh của các ông đây.
Tony liền nói lại với ta bằng tiếng Việt rằng: "Ông cứ thắc mắc vậy chứ tiếng Việt của các ông mới làm tôi chóng hết mặt không thể theo kịp. Nếu trong tiếng Anh của tôi chỉ có một từ I để chỉ tôi, hay một từ YOU để chỉ người đối thoại, thì trong tiếng Việt của ông không biết thế nào mà tả những từ có cùng nghĩa với chữ I nữa: tôi, ta, con, bố, mẹ, ông, bà, cô, cậu… đều có thể có nghĩa là tôi như chữ I, đó là theo ngôi thứ, còn theo thái độ thì tôi thua luôn… vì không biết khi nào thì nên nói là tôi, khi nào nên nói là: ta, tao, đằng này, thằng này, con này, ông mày, tớ, thầy mày… rồi lại còn biến đổi theo từng vùng miền thì còn biến đổi nữa mới khổ chứ. Tóm lại tôi chẳng thể nào biết được các nguyên tắc tự xưng của tiếng Việt các ông cả, mỗi cảm xúc thì nói một kiểu.
Mà tiếng Anh của tôi thì chỉ có chữ black để chỉ màu đen, nhưng trong tiếng Việt thì tôi tin chính ông cũng chẳng liệt kê hết các từ chỉ màu đen ý chứ. Ví dụ nhé, con chó đen các ông gọi là chó mực, tóc đen là tóc huyền, mèo đen là mèo mun, ngựa đen là ngựa ô… rồi chưa kể màu đen có thể nói là: hắc, thâm… như các chữ hắc hải (biển đen) hay áo thâm (áo đen)…
Đó là về từ vựng, chứ về văn phạm thì chỉ có người Việt mới hiểu nhau được, chứ người học tiếng Việt như chúng tôi đều lấy làm sợ khi học. Ví dụ nhé: thắng và bại là hai từ ngược nghĩa phải không? Ấy thế mà các ông khối lần dùng nó như là những từ đồng nghĩa đấy, ví dụ như: võ sĩ A đánh thắng võ sỹ B, và võ sỹ A đánh bại võ sỹ B chẳng hạn. Rõ ràng là cùng nghĩa nhé.
Bại và thua tuy đồng nghĩa nhưng lại thành trái nghĩa đấy, ông thử nói: Võ sỹ A đánh thua võ sỹ B và câu võ sỹ A đánh bại võ sỹ B xem, có đúng là trái nghĩa nhau không nào… rồi còn áo ấm và áo rét nữa chứ, hóa ra hai từ này đồng nghĩa trong khi ấm và rét trái nghĩa nhau hẳn. Rồi chưa kể các ông kéo cả tiếng Hán Nôm vào tiếng Việt trong khi tiếng Việt vẫn diễn tả được hết mà lại ít dùng. Ví dụ như vững như bàn thạch, sao các ông lại không chịu nói vững như bàn đá đi có được không; hay công viên sao không nói là vườn chung, vì viên là vườn đấy thôi, và công là của chung dành cho mọi người là gì…
Ta không chịu và tiếp tục lý luận: "Tiếng Anh của ông động từ là động từ cho nó rồi, ví dụ như go là đi, thì lại còn cho thêm giới từ vào sau đó tạo ra nghĩa khác hẳn đi, rất khó nhớ và lạ lẫm đối với người học tiếng Anh". Ví dụ như go off thì có nghĩa là phát nổ, còn go ahead thì lại không mang nghĩa đi về phía trước tí nào, mà lại là cậu nói đi… Chữ Look là nhìn, và out là ra bên ngoài, nhưng look out thì chả có nghĩa là nhìn ra ngoài tí nào, mà lại là nhắc người khác coi chừng, cẩn thận… mà nếu viết liền chữ look-out thì lại có nghĩa là lính canh hoặc chòi canh gác mới kỳ lạ chứ. Rõ ràng chữ watch là xem, nhưng câu watch your mouth thì lại có nghĩa là cẩn thận cái miệng đấy. Hay chữ skirt rõ ràng nghĩa là cái váy, vậy mà out-skirt lại nghĩa là ngoại thành, nhưng nội thành mà suy luận theo để nói là in-skirt thì các ông lại cười lăn ra… Rồi chữ odd rõ ràng nghĩa là số lẻ, chữ ball nghĩa là quả bóng, vậy mà odd-ball lại là người đàn ông lập dị.
Tony lập tức tiếp lời rằng: Đồng ý rằng tiếng Anh có nhiều cách diễn đạt lạ như thế, nhưng không thể so với những biến thể tiếng Việt còn khó theo hơn nhiều lần. Ví dụ như một loạt những từ viết được, nói được nhưng lại vô nghĩa nếu đứng một mình như: ịch, tiêng, hỉnh, xắn… nhưng khi ghép vào từ khác thì chúng lại có nghĩa như ục ịch, tiêng tiếc, hóm hỉnh, xinh xắn… Rồi một loạt các chữ mà ngay người Việt cũng chẳng chịu phân biệt rạch ròi như dạy học hay dậy học, đôi giày hay đôi giầy…
Đó là chưa kể tiếng Việt có tới 5 dấu: hỏi (?), sắc (´), huyền (`), nặng (.), ngã (~) và 6 thanh điệu được tạo bởi 5 dấu này cộng thanh ngang… Việc đưa dấu thanh điệu vào câu nói đúng là ác mộng với người học tiếng Việt, vì chúng tôi không có dấu trong tiếng Anh và gần như không thể phân biệt được dấu. Ví dụ như cậu bạn người Mỹ của tôi đã mắc lỗi khi về quê Việt Nam hỏi vợ, cậu ấy nói một câu tiếng Việt là "Con muốn làm con dê cụ." khiến cả nhà cười lăn ra… Vì anh chàng đó cũng như tôi, gần như không thể nói rõ dấu hỏi trong tiếng Việt như chữ con dể được, mà sẽ nói không có dấu thành con dê mà thôi. Mỗi khi thêm dấu, nghĩa của từ khác nhau hoàn toàn.
Mà đó mới chỉ là một từ vựng nhé, chưa kể việc từ vựng tiếng Việt mà ghép vào với nhau thì không thể lường nổi về nghĩa nữa. Ví dụ như chữ ăn có nghĩa là cho thức ăn vào cơ thể qua miệng chứ gì? Nhưng ghép với từ khác thì có vẻ như nó không có nghĩa đó tí nào cả. Ví dụ như ăn đòn, ăn chơi, ăn ở, ăn tiền, ăn cắp, ăn cướp, ăn vạ, ăn năn, ăn chia… Quả thực quá phong phú về nghĩa và cách ghép, nếu đem so sánh với các ngữ động từ của tiếng Anh hay các từ ghép thì chúng tôi không so được.
Mà ngay cả các tính từ trong tiếng Việt cũng có thể ghép khôn lường về nghĩa, mà tiếng Anh của chúng tôi thì không nhiều đến như thế. Ví dụ như miêu tả màu trắng thì tiếng Anh có chữ white, hay nếu có ý nói là sáng thì sẽ là bright, nhưng tiếng Việt thì vô vàng cách mô tả màu trắng như: trắng trẻo, trắng tinh, trắng muốt, trắng xóa, trắng hếu, trắng ởn, trắng bệch, trắng nõn… mà thêm một từ trắng nữa vào thì lại chẳng trắng hơn mà lại có vẻ như giảm độ trắng đi như từ trắng trắng… hay ghép nhầm với từ khác thì chả có nghĩa là trắng tí nào, như từ trắng trợn chẳng hạn, có còn nghĩa là trắng nữa đâu?
Nghe ông bạn Tony phân tích một hồi, ta ngẫm ra đúng là tiếng Việt mình khó thật. Sống gần hết đời người mà chưa chắc đã biết hết tiếng Việt nữa. Dù sao ngôn ngữ sinh ra là để phản ánh đời sống và lao động của một cộng đồng con người trong suốt chiều dài lịch sử, mà dân tộc mình có tới 4000 năm lịch sử dựng nước, lao động, bảo vệ đất nước và phát triển đất nước thì quả thực là ngôn ngữ không phong phú mới là lạ.
Tony mới chỉ biết có đến thế, chứ làm sao biết được thái độ của người Việt trong từng câu nói, cùng là một nội dung nói đấy, nhưng như các cụ đã có câu ý tại ngôn ngoại tức là ý ở ngoài lời, nếu mà giọng nói và cách nhấn giọng khác nhau thì ý nghĩa của câu nói thay đổi hoàn toàn ý chứ. Ví dụ câu: tôi yêu cô ấy nếu nói bình thường thì không sao, chứ nhấn vào chữ yêu và kéo thật dài ra trong khi nói thì chưa biết chừng người nói lại có ý chê bôi và bài xích chứ chẳng yêu thương gì… Mà trong tiếng Anh thì lời nói thế nào ý nghĩa thế ấy, dù người nói có nhấn thêm từ này hay từ khác thế nào đi chăng nữa thì nghĩa của câu vẫn gần như giữ nguyên nghĩa của những từ vựng trong câu…Từ sau câu chuyện tình cờ và vui vẻ đó, ta chợt nhận ra người Việt mình đang làm chủ một ngôn ngữ rất khó, rất giàu có, phong phú và phức tạp, trong khi tiếng Anh không hẳn đã khó như vậy. Ta tự nghĩ tiếng Anh làm cho ta thấy khó học là vì cách nghĩ và tư duy ngôn ngữ của họ và ta khác nhau quá xa, chứ xét riêng về độ phong phú và sự phức tạp về ngữ nghĩa trong từng câu nói, quả là không so được với tiếng Việt.