Trang

14/3/12

Làm bêtông từ cát và nước biển

TT - Liệu nước mặn có kết dính được bêtông hay không? Công nghệ làm bêtông được thực hiện như thế nào?
14g30 chiều nay (14-3), tại TP.HCM diễn ra buổi chuyển giao công nghệ sản xuất bêtông bằng cát biển và nước biển giữa một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và Bộ Quốc phòng.
Nếu công nghệ này được đưa vào sản xuất, các công trình xây dựng kè chắn sóng, đường đi, nhà tránh bão... ở Trường Sa và các hải đảo khác sẽ thuận lợi rất nhiều vì không còn phải mang cát và nước ngọt từ đất liền ra đảo làm bêtông.
Bêtông riêng tặng Trường Sa
Có bêtông cát biển từ 10 năm trước
TS Nguyễn Hồng Bỉnh, phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cho biết công trình xây dựng đầu tiên sử dụng bêtông làm từ cát biển do ông nghiên cứu là chiếc cầu tàu đi ra đảo khu du lịch Hòn Ngọc Phương Nam ở Cần Giờ (TP.HCM) qua 10 năm đến nay cốt thép vẫn không bị ăn mòn, không bị phá hoại. Bêtông này đạt cường độ nén từ 20-25MPa tùy theo yêu cầu công trình. Theo TS Bỉnh, khi ông nghiên cứu làm bêtông từ cát biển, rất nhiều nhà khoa học phản đối nhưng ông vẫn làm và sau 10 năm, đến nay công trình của ông vẫn bền vững.
Ông Trần Minh Chí, chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thạch Anh, kể lại vào khoảng tháng 5-2011 khi Tuổi Trẻ phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, các kỹ sư tại Thạch Anh đã nghĩ đến ý tưởng “tại sao không dùng cát biển, nước biển để làm bêtông?”, như vậy sẽ đỡ rất nhiều kinh phí, thời gian chuyên chở vật liệu từ đất liền ra hải đảo. Ý tưởng này đã được các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng ủng hộ, đồng thời đặt hàng cho Thạch Anh nghiên cứu công nghệ sản xuất bêtông bằng cát biển và nước biển.
Sau hơn sáu tháng nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, những viên gạch bêtông từ cát biển và nước biển được mang đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thử nghiệm. Kết quả thử cho thấy cường độ nén trung bình của bêtông đạt 89,9 MPa (theo phương pháp thử TCVN 6476:1999), độ hút nước 3,1% (TCVN 6355:1998 phần 3), độ mài mòn sâu 215mm3 (theo phương pháp thử BSEN 1338:2003). Thạch Anh đã nộp đơn đăng ký sáng chế công nghệ và chuẩn bị tiến hành chuyển giao công nghệ cho Bộ Quốc phòng.
Kỹ sư Nguyễn Minh Luân - phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, chủ nhiệm đề tài - cho biết nguyên liệu chính để sản xuất bêtông này là sỏi, cát biển, san hô, ximăng P40, nước biển và phụ gia tạo dính. So với bêtông thông thường, để sản xuất 1m3 bêtông có cường độ nén 30MPa cần sử dụng 472kg ximăng P40, nhưng với cát biển và nước biển sẽ chỉ tốn 350kg ximăng với cường độ nén 50MPa. Với phụ gia tạo dính do Thạch Anh sử dụng, sản phẩm bêtông ngoài cường độ nén cao, độ hút nước và độ mài mòn rất thấp nên nước không thấm vào bên trong, dẫn đến tuổi thọ của bêtông cao hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét