Trang

25/7/16

Chủ dự án căn hộ chào mời khách đến sống thử vài đêm

Cho khách hàng đến ở thử tại chính dự án, hoặc thuê một căn hộ tương tự để khách trải nghiệm đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm thu hút người mua nhà. 

Trước đây, chính sách “ở thử” chủ yếu được chủ đầu tư áp dụng đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Theo đó, những khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, biệt thự ở các dự án nghỉ dưỡng thường được mời đến trải nghiệm cuộc sống và dịch vụ trước khi ra quyết định mua. Thậm chí nhiều đơn vị còn tài trợ cả vé máy bay để đưa khách đến dự án. Tuy nhiên, gần đây, để thu hút khách hàng, nhiều chủ đầu tư dự án căn hộ cũng áp dụng hình thức này.

Chủ đầu tư dự án Mulberry Lane, Hà Đông, Hà Nội vừa áp dụng chính sách cho khách hàng được sống thử 3 ngày 2 đêm tại căn hộ trước khi quyết định đặt mua chung cư. Trước đó, chủ đầu tư dự án căn hộ tại Azuza Đà Nẵng cũng cho khách hàng được vài ngày trải nghiệm sống trong căn hộ tương tự tại toà nhà. Hiện dự án đã hoàn thiện nên điều này cũng đồng nghĩa người mua nhà được sống trong căn hộ của mình trước khi lựa chọn mua. 
Nhiều chủ đầu tư gần đây đua nhau tung ra chính sách mời khách hàng đến ở thử tại dự án
Từ đầu năm đến nay, chính sách này cũng được nhiều chủ đầu tư ở thị trường phía Nam áp dụng. Tuy không được đến ở ngay chính dự án mình mua, song khách hàng mua căn hộ The Sun Avenue cũng được chủ đầu tư tung ra chính sách ở thử tại một nơi tương đồng. 

Những khách hàng đặt mua tại dự án Dragon Hill 2 trước ngày 30/9 cũng được đến sống tại khu căn hộ thuộc giai đoạn một của dự án cho tới khi bàn giao nhà (tức tới đầu năm 2018). Căn hộ khách được ở thử, chủ đầu tư đã trang bị đầy đủ nội thất.

Điều đáng nói là chủ đầu tư dự án này còn cho biết khách mua căn hộ tại đây chỉ cần nộp 20% tổng giá trị, đồng thời, từ nay cho tới khi nhận nhà, mỗi tháng người mua chỉ phải trả 1%. Phần còn lại đến khi bàn giao, tức gần 2 năm nữa mới cần thanh toán, và ngay từ giờ khách hàng đã có thể được đến ở thử. 

Ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sàn bất động sản Maxland cho rằng, thay vì bán nhà trên giấy, giờ các chủ đầu tư đã có những chính sách thiết thực, tăng trải nghiệm với người mua như xây nhà mẫu, thậm chí cho khách đến ở thử. 

“Chính sách này đánh vào tâm lý lo ngại về chất lượng công trình của đa số khách hàng. Khi được trải nghiệm, sống thử thì họ sớm đi tới quyết định hơn. Các dự án cho sống thử đến cả năm ở một dự án tương đồng lại càng hấp dẫn với những khách hàng có nhu cầu cấp thiết về nơi ở", ông Diễn cho hay. 

Lãnh đạo Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, việc để khách hàng sống thử tại các căn hộ sẽ khiến người mua tin tưởng hơn chất lượng cũng như các tiện ích, hạ tầng tại dự án. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khách hàng nhanh chóng đưa ra quyết định mua căn hộ. 

Tuy nhiên, ông Diễn cũng cho biết, để theo đuổi chính sách ở thử, chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối chịu khá tốn kém. "Thực tế, để có căn hộ cho khách hàng ở thử, chủ đầu tư phải có sẵn căn hộ cho người mua đến ở, đầu tư nội thất khá tốn kém”, ông cho hay. 

Bên cạnh chính sách ở thử, trên thị trường, nhiều chủ đầu tư cũng áp dụng các chính sách khuyến mại khá sốc. Trong đợt mở bán nhà phố thương mại Vinhomes Dragon Bay (Hạ Long), chủ đầu tư dự án này bên cạnh những chính sách hỗ trợ tài chính còn áp dụng chương trình khách mua đầu tư tặng 24 tháng tiền thuê mặt bằng (từ 30-80 triệu đồng mỗi tháng). Như vậy, trong 2 năm, khách hàng sẽ được nhận về hàng tỷ đồng.

Gần đây, các chủ đầu tư cũng chạy đua để đưa ra mức chiết khấu “khủng”, cao gấp 2-3 lần so với thời gian trước, dao động từ 8 đến 10% như tại Hà Nội có Hanoi Landmark (Hà Đông), Mon City (Nam Từ Liêm)… Hay tại TP HCM là dự án Golden Mansion (quận 8), Dragon Hill 2 (quận 7) ....

Ông Diễn cho biết, các chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối đều khá đau đầu để đưa ra những chính sách bán hàng, vừa có thể kích cầu thị trường, vừa có tính quảng bá cho dự án. 

"Chính sách bán hàng cũng là một trong những cuộc rượt đuổi của các chủ đầu tư và đơn vị phân phối, vì nếu dự án nào chính sách cũng giống nhau thì không còn hấp dẫn nữa. Chính sách càng "độc", thiết thực với người mua thì doanh số chắc chắn được cải thiện", ông Diễn cho hay.

Ngọc Tuyên (vnexpress.net)

18/7/16

Mất quyền kiểm soát cà phê hoà tan Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn gì

"Vua cà phê" Việt vẫn nắm quyền điều hành và kiểm soát phần lớn các doanh nghiệp trong hệ thống Trung Nguyên.

Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương vừa quyết định hủy bỏ quyền đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên - đơn vị đang sở hữu thương hiệu cà phê hoà tan G7 và trao lại cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ. Trên thực tế, ông Vũ vẫn là đại diện pháp lý, nắm quyền điều hành tại Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng - nơi nắm cổ phần chi phối ở hầu hết công ty thành viên trong hệ thống. Tập đoàn còn sở hữu nhiều mảng kinh doanh khác như bán lẻ, kinh doanh nhượng quyền.

Cụ thể, Trung Nguyên có Nhà máy cà phê Buôn Ma Thuột chuyên về chế biến hạt cà phê, cà phê rang xay vốn điều lệ 500 tỷ đồng và Nhà máy cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước (Bình Dương).

Ông Vũ nắm quyền điều hành tại Công ty Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Theo báo cáo của Nikkei, tính đến đầu năm 2015, Trung Nguyên có tới 2.500 điểm bán - số lượng lớn nhất trong các chuỗi nhà hàng - cà phê Đông Nam Á. Trung Nguyên cho phép các điểm bán này treo biển Trung Nguyên miễn phí. Thực tế, công ty chỉ có 57 quán cà phê nhượng quyền tại Việt Nam và một ở Singapore.

Trung Nguyên còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch khi thành lập Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với vốn điều lệ 98 tỷ đồng (tập đoàn nắm 70%, ông Vũ và bà Thảo mỗi người 15%). Đại diện công ty ban đầu thuộc bà Thảo, nhưng mới đây ông Vũ đã chuyển quyền quản lý sang tên mình. Đây là công ty chuyên hoạt động du lịch với các thương hiệu như: làng cà phê Trung Nguyên, resort coffee tour Trung Nguyên, khu du lịch Gia Long,…

Ở lĩnh vực bán lẻ, Trung Nguyên có Công ty Thương mại và dịch vụ G7 toàn cầu - sở hữu chuỗi bán hàng G7 - ministop và Công ty Thương mại và dịch vụ G7.

Đặc biệt, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là đại diện pháp luật và nắm quyền kiểm soát ở Công ty Đầu tư Trung Nguyên có vốn điều lệ 3.160 tỷ đồng, đầu tư vào các công ty thành viên của tập đoàn.

Vụ việc tranh chấp quyền kiểm soát doanh nghiệp này kéo dài từ cuối năm ngoái khi Trung Nguyên thông báo việc tạm dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Cuộc chiến pháp lý giữa bà Thảo và ông Vũ hết sức gay gắt. Phía bà Thảo đã phát đi thông điệp chính mình mới là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty Trung Nguyên International Singapore, Tổng giám đốc Cà phê hoà tan Trung Nguyên, đồng thời là đồng sáng lập và đồng sở hữu của Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Theo đó, bà Diệp Thảo là người đưa cà phê Trung Nguyên, thương hiệu G7 ra quốc tế.

Đây đều là các công ty đóng góp lớn vào doanh thu toàn tập đoàn, vì vậy việc mất kiểm soát sẽ tác động không nhỏ đến chiến lược phát triển sau này. Công ty cà phê hoà tan Trung Nguyên được thành lập năm 2003, sở hữu thương hiệu G7, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó tập đoàn mẹ nắm 85%, ông Vũ 10% và bà Thảo 5%. Công ty có 2 nhà máy sản xuất cà phê tại Dĩ An (Bình Dương) và Bắc Giang.

Theo số liệu của Euromonitor, năm 2015, G7 đã lọt vào top 3 thương hiệu cà phê hoà tan lớn nhất Việt Nam cùng với Nescafé và Vinacafé. Doanh thu trong nước của G7 năm 2015 đạt 245 tỷ đồng, năm 2014 đạt khoảng 270 tỷ. Tuy vậy, đây chỉ là thị phần trong nước, thực tế G7 được xuất khẩu đi khắp thế giới, đặc biệt là Trung Quốc với doanh số lên tới nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Trung Nguyên International Singapore được thành lập năm 2008 với mục tiêu chinh phục thị trường thế giới. Công ty phụ trách xuất khẩu cà phê tại thị trường ASEAN và toàn cầu. Đến nay thương hiệu Trung Nguyên đã xuất khẩu sang 60 nước trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu, ASEAN…

Doanh thu và lợi nhuận của Trung Nguyên luôn là một ẩn số. Trong một lần xuất hiện trên Cổng thông tin điện từ Chính phủ, ông Vũ cho biết, doanh thu năm 2012 của công ty đạt trên 200 triệu USD và sẽ tăng gấp đôi một năm sau đó do nhu cầu cà phê đóng gói ở ASEAN, Trung Quốc tăng mạnh. Trung Nguyên cũng đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2016. Năm 2014, riêng công ty mẹ đã có doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.300 tỷ. Công ty có nguồn thu rất lớn từ xuất khẩu các loại cà phê hoà tan, cà phê rang xay, cà phê chồn ra thế giới.

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971, trong một gia đình nông dân nghèo ở Nha Trang (Khánh Hoà). Ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Từ một vài cửa hàng nhỏ bán cà phê năm 1996 tại Buôn Ma Thuột, với số vốn bỏ ra chỉ bằng chiếc xe đạp, đến nay Trung Nguyên đã trở thành thương hiệu toàn cầu. 

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã lọt vào bảng xếp hạng triệu phú do tạp chíForbes bình chọn vào năm 2014 với tổng tài sản hơn 100 triệu USD. Ngoài kinh doanh, ông Vũ còn tham gia viết sách.
Bạch Dương (vnexpress.net)

11/7/16

Những 'tay chơi' mới trên thị trường bất động sản Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp nổi danh trong lĩnh vực xi măng, thép, cầu đường, nông nghiệp đã đưa bất động sản trở thành hướng kinh doanh chiến lược.

Là doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất xi măng, vận tải, bảo hiểm, chứng khoán... song gần đây, ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiGroup đã đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản khi chi hàng nghìn tỷ đồng mua nhiều khu đất vàng ở Hà Nội.

Thương vụ lớn được nhắc đến gần đây nhất là việc mua lại khách sạn Kim Liên với diện tích khoảng 3,5ha. Đại gia này cũng mới ký biên bản hợp tác với Tập đoàn khách sạn Hyatt đầu tư dự án khách sạn 5 sao với giá trị đầu tư 165 triệu USD tại một địa điểm tại trung tâm Thủ đô. Ngoài ra, ThaiGroup cũng đầu tư khu nghỉ dưỡng hạng xa xỉ Enclave diện tích 350ha tại Phú Quốc, Kiên Giang. 

Trước đó, doanh nghiệp này từng tham gia đầu tư một số dự án bất động sản có quy mô nhỏ, chủ yếu ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hà Nam...
Nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực xi măng, thép, cầu đường... công bố việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án bất động sản.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) - doanh nghiệp chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng cũng công bố chi hơn 400 tỷ đồng vào đầu năm nay để được Cao Su Sao Vàng lựa chọn là đối tác đầu tư cho dự án trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội)… Khu đất dự kiến được đơn vị này triển khai khu hỗn hợp, bao gồm trung tâm thương mại – dịch vụ, văn phòng – căn hộ cao cấp để bán và cho thuê.

Các đại gia phía Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Với việc thành lập một công ty con chuyên đầu tư bất động sản với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cầu đường là Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) cũng đã lấn sân sang lĩnh vực địa ốc. Đơn vị này cũng cho biết sẽ đầu tư vào 3 dự án lớn tại TP HCM. 

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử như Đức Long Gia Lai, tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra cách đây 3 tháng cũng công bố chính thức bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc. Kế hoạch trong năm nay của công ty là khởi công xây dựng 3 dự án tại quận 7, quận 8 và quận Bình Tân với trên 2.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tuy đã có những bước đi từ khá sớm từ vài năm trước, song Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco Group) cũng được coi là một trong những gương mặt mới mẻ trong lĩnh vực bất động sản. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trường Hải vốn là một trong những đại gia nổi danh với ngành công nghiệp ôtô. Cách đây vài năm, đơn vị này quyết định rót hàng nghìn tỷ để đầu tư vào Khu đô thị Sala (Thủ Thiêm, TP HCM) thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Đại Quang Minh. Hiện Đại Quang Minh đã trở thành nhà phát triển bất động sản dẫn đầu tại Thủ Thiêm với hàng loạt dự án nghìn tỷ.

Từng tham gia vào lĩnh vực bất động sản cách đây vài năm, song thời điểm thị trường khủng hoảng, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen tuyên bố rút lui khỏi thị trường để tập trung cho ngành thép. Tuy nhiên gần đây, tập đoàn này vừa khởi công dự án khách sạn lớn 4 sao tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. 

Hoa Sen đã thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh dự án khách sạn, tại Yên Bái, tập đoàn còn tham vọng đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000ha, trong đó 400ha mặt nước ở đầm Vân Hội. Một loạt dự án, khách sạn nghỉ dưỡng lớn khác tại Bình Định như Khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh Suối nước nóng Hội Vân, Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp tại thành phố Quy Nhơn cũng nằm trong dự định của đại gia ngành thép. 

Ông Lê Phước Vũ chia sẻ từng có kinh nghiệm đầu tư vào bất động sản, nhưng lúc đó chưa phù hợp. “Bất động sản, du lịch là lĩnh vực mới, nhưng hoàn toàn tiềm năng và đặc biệt là nằm trong khả năng đầu tư của chúng tôi", ông Vũ khẳng định.
Ngọc Tuyên