Trang

19/10/15

WSJ: Hàng 'Made in Vietnam' có thể sớm phổ biến toàn cầu

Để đáp ứng quy định về nguồn gốc sản phẩm và hưởng ưu đãi thuế từ TPP, các công ty nước ngoài được dự báo sẽ đổ xô tới Việt Nam mở cơ sở sản xuất.

TPP sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho Việt Nam.
Hàng loạt nhà máy của các công ty nước ngoài đang mọc lên tại Long An để tận dụng nguồn nhân lực trẻ và giá nhân công chỉ bằng nửa Trung Quốc. Tỉnh này đã có cả chục khu công nghiệp. Và đến tháng 5, họ cũng thu hút 3,67 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, 40% số đó là đổ vào dệt may.

Các nhà kinh tế học cho biết quá trình này có thể tăng tốc khi Quốc hội 12 nước thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thỏa thuận này sẽ giảm thuế nhập khẩu với nhiều loại hàng hóa trao đổi giữa các quốc gia thành viên, chủ yếu làm lợi cho các nước đang phát triển như Việt Nam hay Malaysia - những nước có tăng trưởng phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

TPP sẽ mang lại "điều tuyệt vời nếu có hiệu lực", Frank Smigelski - Phó chủ tịch Avery Dennison - một trong những hãng sản xuất mác quần áo lớn nhất thế giới cho biết trên Wall Street Journal. Hồi tháng 7, công ty Mỹ này đã mở một nhà máy gần 28.000 m2 tại Long An. Trong đó, các máy móc của họ sản xuất mác quần áo cho những thương hiệu như Uniqlo hay North Face.

wsj-hang-made-in-vietnam-co-the-som-pho-bien-toan-cau
TPP sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho Việt Nam. Ảnh: NYTimes
Lương nhân công tăng vọt và thiếu hụt lao động tại Trung Quốc đang khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn. Năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam đã chạm 12,4 tỷ USD, tăng gần 25% so với năm 2009. Một trong những nhà đầu tư lớn nhất là Samsung Electronics của Hàn Quốc, với kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư vào sản xuất đồ điện tử tại đây.

Nếu TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ là nền kinh tế hưởng lợi lớn nhất, do Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn, theo dự báo của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE). TPP sẽ "cho các nước thành viên đặc quyền tiếp cận Mỹ và Nhật Bản", Chris Clague - chuyên gia tư vấn cấp cao tại Economist Intelligence Unit nhận định.

Chính phủ Việt Nam ước tính TPP có thể mang lại cho nền kinh tế 33,5 tỷ USD trong thập kỷ tới, tương đương một phần năm GDP hiện tại. Kim ngạch xuất khẩu của các ngành công nghiệp chính, như dệt may và da giày, sẽ tăng 46% lên 165 tỷ USD năm 2025 nhờ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước khác, PIIE cho biết.

Còn theo hãng tư vấn PwC, tiền rót vào quốc gia Đông Nam Á này có thể biến Việt Nam thành một trong hai quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2015-2050, cùng với Nigeria.

Tại Long An, nhà máy 3 tầng của Avery Dennison đang chuẩn bị cho sự đổ bộ của các đơn hàng về mác quần áo và mác giá. Hàng chục căn nhà bê tông cho các công nhân nhà máy cũng đang được xây dựng - tín hiệu cho thấy nhiều hãng sản xuất khác cũng đang dồn về đây.

Cơ sở tại Long An sẽ cho phép Avery Dennison thoải mái tăng trưởng cho đến năm 2020. Nhưng công ty cũng đang cân nhắc mở rộng nếu sản xuất quần áo tăng vọt sau TPP, ông Smigelski cho biết.

"Những gì Trung Quốc mất 30 năm mới làm được thì Việt Nam sẽ chỉ mất 10 năm thôi. Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều công ty đặt cược vào quốc gia này", Smigelski cho biết.
Hà Thu

28/9/15

Tỷ phú Rockefeller đầu tư 2,5 tỷ USD tại Phú Yên

Thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên là một thành phố đẹp, nằm bên bờ biển trải dài với cát trắng thơ mộng là điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Trong thành phố có 2 ngọn núi là núi Chóp Chài và núi Nhạn. Với việc quy hoạch Khu đô thị Nam Tuy Hòa, hứa hẹn tạo nên một cảnh quan kiến trúc đặc sắc cho Thành phố.


TP. Tuy Hòa ngày càng khang trang, là một điểm du lịch đặc sắc của miền Trung. Ảnh: Đức Thanh

Dấu ấn Tuy Hòa

Như các tỉnh Duyên hải miền Trung khác, tỉnh Phú Yên hội đủ tiềm năng phát triển du lịch. Chính vì vậy chính quyền địa phương định hướng quy hoạch phát triển Tuy Hòa thành một thành phố du lịch lớn ở miền Trung. Chiến lược ấy được cụ thể hóa bằng các trục giao thông quan trọng, trong đó phải kể đến tuyến đường ven biển nối TP. Tuy Hòa đến vịnh Vũng Rô.

Tuyến đường ven biển dài hơn 15 km chạy dọc triền núi, men theo bãi cát vàng óng, đi qua những địa danh thắng cảnh, khiến du khách không khỏi bất ngờ nếu một lần đi trên con đường này. Với vẻ đẹp đó, tỉnh Phú Yên tự tin một ngày nào đó con đường vàng này sẽ đánh thức tiềm năng du lịch của Phú Yên, cũng như định vị được diện mạo TP. Tuy Hòa trong tương lai.

Một tín hiệu vui đối với ngành du lịch Phú Yên, đó là Tập đoàn Rose Rock của gia đình tỷ phú Rockefeller (Mỹ) chính thức hợp tác với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đầu tư tư 2,5 tỷ USD cho Dự án Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng vịnh Vũng Rô.

“Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD, sẽ được phát triển gồm ba khu chính gồm: The Marina, The Village và Bãi Môn. Ba khu này được kết nối bằng con đường tản bộ dài 2,5 km với tên gọi The Green Thread”, ông Nhất tiết lộ.

Chính quyền tỉnh Phú Yên tin rằng, một dự án có quy mô lớn với nhiều hạng mục rất quan trọng như khách sạn, bến du thuyền… khi hình thành và đưa vào hoạt động sẽ tạo nên điểm nhấn kiến trúc độc đáo của đô thị Tuy Hòa trong tương lai.

Đặc biệt, nhà ga mới Sân bay Tuy Hòa có tổng kinh phí đầu tư 353 tỷ đồng, đã chính thức vận hành đầu tháng 9/2013. Khu hàng không dân dụng mới này nằm ngay trên trục đường ven biển, chỉ cách TP. Tuy Hòa 5 km. Đây có thể xem là hạng mục hạ tầng quan trọng tiếp thêm đôi cánh để TP. Tuy Hòa bứt phá.

Bên cạnh đó, Phú Yên đã hiện diện những dự án lớn, trong đó có Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Hai dự án này mang tính bước ngoặt cho tỉnh Phú Yên trong những năm tới. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đặt nhiều kỳ vọng vào hai dự án này trong việc tạo nên những điểm nhấn về hạ tầng, cũng như định vị cho quy hoạch đô thị Tuy Hòa theo hướng công nghiệp.

“Hầm Đèo Cả không chỉ là công trình hạ tầng quan trọng của quốc gia, mà còn là một sản phẩm du lịch đặc sắc. Đường hầm này sẽ kết nối với tuyến đường ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô, tạo nên một chuỗi giá trị kinh tế vô cùng lớn cho Phú Yên”, ông Hiến nói.

Song hành với Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, tọa lạc ngay phía Tây của tuyến đường ven biển Tuy Hòa - Vũng Rô là Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô và cảng Bãi Gốc. Đây là dự án đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Phú Yên, sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư lớn trong lĩnh vực hậu lọc hóa dầu.

Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô do Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô làm chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho dự án đã cơ bản hoàn thành và sẽ chính thức khởi công xây dựng ngay sau khi UBND tỉnh Phú Yên bàn giao mặt bằng.

Bước ngoặt từ Dự án Khu đô thị Nam Tuy Hòa

Nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Phú Yên, Khu đô thị Nam Tuy Hòa được phê duyệt với quy mô tổng diện tích 394,6 ha, dân số 30.000 - 40.000 người, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.754 tỷ đồng. Đây được xem là khu đô thị mang tính chiến lược của tỉnh Phú Yên, nhằm mục đích mở rộng TP. Tuy Hòa về hướng Nam, cũng như đóng vai trò kết nối quan trọng giữa Khu kinh tế Nam Phú Yên với TP. Tuy Hòa trong tương lai.

Ông Lê Văn Thành, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho rằng, trong chiến lược phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên, không chỉ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của tỉnh, mà còn xây dựng một môi trường sống tốt cho công nhân, kỹ sư làm việc trong các nhà máy tại Khu kinh tế.

Ông Thành cho biết, riêng Dự án Lọc hóa dầu Vũng Rô đã tạo công ăn việc làm cho gần 20.000 lao động, đây là con số lớn và đặt ra nhiều thách thức đối với việc quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai.

“Vấn đề quan trọng nhất vẫn là tạo ra môi trường sinh hoạt tốt cho cư dân khu kinh tế, việc này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư vào khu kinh tế”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, trong tương lai, hiệu ứng từ Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô cùng với hệ thống hạ tầng hỗ trợ như cảng Bãi Gốc là rất lớn, sẽ tạo ra lực hút quan trọng đối với các dự án công nghiệp khác, trong đó có công nghiệp nặng và hỗ trợ hậu lọc dầu. Điều này dự báo sẽ tiếp nhận một lượng lao động lớn từ các nơi khác đổ về và việc quy hoạch Khu đô thị Nam Tuy Hòa cũng không ngoài mục đích đón đầu sự phát triển này.

Dưới góc nhìn quy hoạch đô thị, các chuyên gia nhận định, lợi thế của TP. Tuy Hòa là rất lớn, quy mô diện tích mở khá rộng, đặc biệt là hướng Nam kết nối với Khu kinh tế Nam Phú Yên, với hệ thống hạ tầng đồng bộ như Sân bay Tuy Hòa, cảng Bãi Gốc, hầm đường bộ Đèo Cả… cùng với tuyến đường ven biển đã được xây dựng sẽ tạo nên một tổng quan kiến trúc khá đặc biệt cho TP. Tuy Hòa trong tương lai.

Theo Sơn Thắng
baodautu.vn

24/9/15

Đoạn cuối Trầm Bê - Đặng Văn Thành: Ai khổ hơn ai?

Những bất ngờ vào phút chót dường như đã thay đổi cục diện ván cờ thâu tóm kéo dài hơn 3 năm liên quan đến SouthernBank và Sacombank. Quá trình này gợi nhớ đến hai đại gia hàng đầu Việt Nam vốn là hai người trong cuộc, từng được xem là kẻ thắng người thua nhưng đến thời điểm này cũng chưa hẳn phân định ai là người thắng thua, sướng khổ…

Đoạn cuối bất ngờ

Công văn số 6066/NHNN-TTGSNH ký ngày 12/8 cho biết: “Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện các quyền cổ đông theo quy định pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần của ông và các bên liên quan ở Phương Nam (SouthernBank), Sacombank và NH sau sáp nhập. Ông Trầm Bê sẽ không tham gia điều hành, quản trị NH sau sáp nhập và NHNN sẽ cử người tham gia điều hành, quản trị”.

Ông Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của NH sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.
Những bất ngờ vào phút chót dường như đã thay đổi cục diện ván cờ thâu tóm kéo dài hơn 3 năm liên quan đến SouthernBank và Sacombank.
Bước cuối cùng trong ván cờ sáp nhập giữa Sacombank và SouthernBank kéo dài hơn 3 năm đã có bất ngờ vào phút chót. Tại Đại hội cổ đông bất thường 2015 của Sacombank hôm 11/7, đa số cổ đông đã thông qua phương án sáp nhập giữa ngân hàng này với Southern Bank.

Liên quan đến ông Trầm Bê, khoảng 3 tuần đầu tháng 7, hàng loạt các NĐT của Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) đã đồng loạt bán ra hàng chục triệu cổ phiếu BCI. Cổ đông lớn nhất HFIC đã thoái toàn bộ 27,9% vốn, tương đương hơn 400 tỷ đồng khỏi BCI. Hai cổ đông nước ngoài lớn là Red River Holdings và Vietnam Infrastructure Strategic Ltd cũng đã bán hàng triệu cổ phiếu.

Trong quý I/2015, BCI chứng kiến doanh thu sụt giảm gần 70% so với cùng kỳ. Hàng loạt các dự án của DN bị chậm so với kế hoạch và kéo theo đó hàng tồn kho tăng vọt lên trên 2,1 ngàn tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản của DN tính tới cuối năm vừa qua. Ông Trầm Bê hiện đang trực tiếp và gián tiếp nắm 16% quyền bỏ phiếu tại Trong khi đó, SouthernBank nắm giữ gần 13% cổ phần BCI.

Eximbank - NH tham gia vào vụ thâu tóm Sacombank cũng đang trong quá trình thanh tra để tái cơ cấu. ĐHCĐ bất thường để chốt nhân sự cấp cao của NH này đã phải rời sang tháng 10. Sự tụt giảm về tài sản, lợi nhuận cho đến giá cổ phiếu cũng như khả năng sáp nhập với NamABank bị bác bỏ… đang đặt ra nhiều câu hỏi về ngân hàng này.

Thoát hạn, xoay cờ

Trong khi ông Trầm Bê đang vất vả với thương vụ sáp nhập thì người gây dựng nên Sacombank - ông Đặng Văn Thành - dường như đã thoát hạn và có một chặng đường mới đơn giản hơn.

Đến thời điểm này cũng chưa hẳn phân định ai là người thắng thua, sướng khổ…
Gần hai năm lùi sâu và im lặng sau biến cố, thậm chí cả tin đồn bị bắt, ông Đặng Văn Thành đã đánh dấu sự trở lại thương trường vào khoảng giữa năm 2014 với niềm đam mê dành cho lĩnh vực mà ông đã thành công trong những ngày đầu bước vào nghiệp kinh doanh: mía đường.

Gần đây, tại Hội thảo thường niên Mía đường Quốc tế năm 2015 của Tập đoàn TTC, ông Đặng Văn Thành vẫn xuất hiện đầy tự tin.

Trong khoảng 2 năm sau biến cố, các thành viên gia đình ông cùng với các DN trong hệ thống TTC đã liên tục đẩy mạnh mua vào cổ phiếu ngành mía đường và tái cấu trúc hệ thống các DN này. Tâm sức và tiền của cũng được dồn vào Sacomreal, một DN BĐS khá nổi tiếng.

Cho tới thời điểm này, hầu hết các DN trong hệ thống TTC của gia đình ông Đặng Văn Thành đều đang hoạt động khá tốt. Sacomreal lãi đột biến trong 6 tháng. Hàng loạt cổ phiếu mía đường có bước tăng ấn tượng nhờ kết quả kinh doanh tốt.

CTCP đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) hiện được coi là cổ phiếu đầu ngành, dẫn dắt trong số những cổ phiếu ngành mía đường niêm yết trên sàn. Đây cũng là DN đường lớn nhất tại vùng Đông Nam bộ, có vị trí thuận lợi khi nằm trong khu tam giác kinh tế trọng điểm tại phía Nam. Gia đình ông Thành đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 50% cổ phần.

Nhiều DN mía đường trong “hệ thống TTC” đã và đang thực hiện sáp nhập với nhau: như BHS và NHS và SBT và SEC để tăng khả năng cạnh tranh khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn vào thế giới.

Từng là một ông trùm trong lĩnh vực NH với một thương hiệu nổi đình nổi đám Sacombank, ông Thành giờ đây lại đang dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, thành công hơn với mía đường. Bên cạnh đó, ông Thành còn đầu tư thêm vào trồng chè, nuôi bò. Bên cạnh mía đường, gia đình ông trùm ngày con đẩy mạnh lĩnh vực năng lượng và du lịch.

Số phận của Sacombank đã được định đoạt. Cục diện trong ngành NH cũng liên tục thay đổi, nhiều người ra kẻ vào. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công và có duyên với lĩnh vực kinh doanh tiền. Và cũng chưa hẳn những doanh nhân thâm nhập được vào lĩnh vực NH đầy mật ngọt đã sướng bằng những người phải dứt áo ra đi.

H. Tú

16/9/15

Giảng viên bán xôi, thợ cày sáng chế

Nhiều tiến sỹ bán xôi, thạc sỹ giao hàng, cử nhân chạy chợ... sẽ là liều thuốc đắng buộc các ông bố bà mẹ phải nghĩ lại trước khi thô bạo đẩy con cái mình vào vòng xoáy chạy đua bằng cấp, bất chấp thực lực của con em mình và nhu cầu của thị trường lao động.

Cuối tuần mới có thời gian đọc kỹ những tờ báo ưa thích mà ngày thường chỉ có thời gian đọc lướt qua tít, tôi vô tình bắt gặp câu chuyện tâm sự của một bạn giảng viên tâm sự chuyện lương nghề không đủ sống, không đủ nuôi con... tính chuyện sẽ bán xôi để kiếm sống. 

Câu chuyện của chị giảng viên làm tôi nhớ đến một câu chuyện khác tương tự vài năm trước, chỉ có điều ở cách xa Việt Nam. Một lần đi siêu thị Iceland - một chuỗi siêu thị chuyên bán hàng đông lạnh ở Anh, tôi đã giật mình nhận ra một cô tiến sỹ người Anh, giảng viên Khoa Toán trường mình đang học làm... thu ngân ở đó.

Vốn có chút quen, tôi lại gần hỏi chuyện, chị nói: "Tớ thấy mình không còn phù hợp, không còn thấy thích công việc giảng dạy và nghiên cứu nữa nên quyết định nghỉ làm để làm ở đây, hàng ngày được nói chuyện gặp gỡ rất nhiều người".

Tôi hỏi chị: “Thế làm ở đây liệu có đủ sống không?”. Chị cười: “Cậu thấy đấy, rất nhiều người vẫn đang sống đó thôi, vấn đề không phải là thu nhập mà là sự lựa chọn thôi.” Trong ánh mắt chị, tôi thấy sáng lên một niềm vui rất thật. 

Cuộc sống là như vậy, tương lai luôn bất định, ai biết ngày sau tương lai ta thế nào, nhưng sống hết mình và luôn biết mình cần phải làm gì, âu cũng đã là một điều may mắn. Đừng chạy theo những cái bóng mộng tưởng dù cái bóng đó luôn được tung ra từ một thế lực có vẻ đáng sợ mang tên "dư luận".

Giảng viên lại bán xôi, đi phục vụ người khác?

Hai Lúa lại đi nghiên cứu khoa học?

Học đại học Luật ai lại đi bán bún, việc làm dường như chỉ dành cho những người không bằng cấp?

Người ta cứ bận rộn hỏi nhau những câu hỏi kiểu đó mà quên mất rằng: chúng ta đều đang đứng trên mặt đất này để phục vụ lẫn nhau bằng cách này hay cách khác. Miễn là trong ranh giới của sự lương thiện, mọi cá nhân- mọi nghề nghiệp và công việc luôn cần được đối xử một cách bình đẳng và trân trọng.

bằng cấp, chạy đua, xã hội, thị trường, nhu cầu, tư duy
Hai cha con nông dân Trần Quốc Hải từng được phong Campuchia phong hàm Đại tướng quân vì có cố chế tạo xe bọc thép. Ảnh: Zing

Tổng thống Mỹ Abraham Lincon từng nói "Không có nghề thấp hèn, chỉ có người thấp hèn". Một trong những loại người thấp hèn đang tràn lan trong xã hội hiện nay là loại người đã không hiểu hoàn cảnh của người khác nhưng lại luôn thích phán xét, dạy dỗ theo kiểu "Sao bác lại làm thế?" hay ""Đừng chường mặt bán xôi kẻo mất mặt nghề giáo". Đó là hiện thân của một sự bàng quan, vô cảm đáng sợ.

Dư luận xã hội thường hay vỗ tay tán thưởng và thích thú trước những anh nông dân Hai Lúa chế tạo thành công máy bay, máy móc. Tại sao không dám vượt qua những định kiến cũ kỹ để tán dương, động viên những người trí thức khôngphù hợp với môi trường cũ dám táo bạo mở lối đi riêng, như chị giảng viên dự định bán xôi, hay cô gái tốt nghiệp đại học Luật mở hàng bún?

Ngôi sao, ca sĩ mở kinh doanh riêng, dù là mẹt bún đậu hay gánh bún riêu cũng được tung hô, đón nhận. Còn những người tri thức, có bằng cấp, tại sao họ lại không được hưởng một nhân quyền rất cơ bản: sống với chính mình và nguyện vọng của mình.

Đã không dưới một lần, khi đất nước còn khó khăn, rất nhiều thầy cô giáo phải tạm biệt giảng đường, lớp học để toả đi mọi nẻo đường mưu sinh của cuộc sống. Bây giờ đôi khi ngay trên đường phố chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những dấu tích về một thời gian khó: Quán cơm bà giáo, hiệu thuốc ông giáo… Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà quản lý, những doanh nhân thành đạt. Họ vẫn luôn đáng kính, đáng trân trọng trong mắt học trò và xã hội.

Thay đổi bản thân là một trong những dạng thức thay đổi khó khăn nhất mà mỗi chúng ta ở lúc này lúc khác trong cuộc đời đều phải trải qua để phát triển. Dám đổi thay, dám vượt qua nỗi sợ vô hình là một kỹ năng mềm mà dường như xã hội chúng ta đang rất yếu.

"Sợ người ta nói" là một hội chứng tâm lý mãn tính mà người Việt Nam rất dễ mắc phải. Và "người ta" đang là một thế lực vô hình cản trở sự phát triển của tiến bộ xã hội.

Giảng viên phải tính chuyện đi bán xôi để kiếm sống, hay cử nhân phải mang biển đứng trên đường để tự xin việc tưởng chừng như là những câu chuyện buồn của những cá nhân nhỏ bé, của nền giáo dục thừa thầy thiếu thợ nhưng lại là một chỉ báo quan trọng cho thấy những tín hiệu đáng mừng về sự thay đổi tư duy trong xã hội.

Người Việt của năm 2015 đã ngày càng thực tế và thức thời hơn, dám hành động chứ không bó gối sợ hãi những định kiến èo uột của những ngày xa cũ.

Các ông bố bà mẹ cần phải suy nghĩ kỹ càng trước khi đẩy con cái mình vào vòng xoáy chạy đua bằng cấp bất chấp thực lực của con em mình và bỏ qua nhu cầu của thị trường lao động.

Từng bạn học sinh, sinh viên cũng buộc phải suy nghĩ nghiêm túc hơn, sâu sắc hơn trước mỗi mùa thi – trước những lựa chọn khó khăn để đúng để bước vào đời.

Cuộc sống luôn khắc nghiệt như nó cần phải vậy, tự nhiên có quy luật chọn lọc riêng, và xã hội cũng vậy. Chúng ta không thể mãi lấy cái bụng đói mà nuôi lòng tự hào, không thể nuôi những kỳ vọng xa xôi trong tiếng con khóc.

Hãy dám đổi thay, hãy đừng chần chừ chạm chân xuống mặt thô ráp của cuộc sống thay vì chạy theo những mộng tưởng không còn phù hợp.
Hoàng Huy

3/8/15

3 ngân hàng Việt Nam vào danh sách công ty lớn nhất thế giới

Vietinbank, BIDV và Vietcombank là 3 đại diện Việt Nam có tên trong danh sách 2.000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới năm nay.


Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Global 2000, gồm các công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới. Các tiêu chí để đánh giá là doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường.

Việt Nam năm nay có 3 đại diện, là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Vietinbank xếp thứ 1.902 với doanh thu 2,3 tỷ USD và giá trị thị trường 3 tỷ USD. Theo sau là BIDV (1.913) với doanh thu 2,4 tỷ USD và thị giá 2,3 tỷ USD. Vietcombank đứng thứ 1.985 với doanh thu 1,7 tỷ USD và thị giá 4,4 tỷ USD.

Vietinbank-1-3381-1430970878.jpg
Vietinbank cùng với BIDV và Vietcombank là 3 đại diện của Việt Nam trong danh sách của Forbes năm nay.

Năm ngoái, Việt Nam có hai công ty lọt danh sách, là Tổng công ty Khí Việt Nam (PetroVietnam Gas) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank). Năm 2012 và 2013, VietinBank là đại diện duy nhất với vị trí 1.989 và 1.764.

Năm nay, Global 2000 có sự góp mặt của các công ty từ 61 quốc gia, với tổng doanh thu 39.000 tỷ USD, lợi nhuận 3.000 tỷ USD, tài sản 162.000 tỷ USD và giá trị thị trường 48.000 tỷ USD. Nhờ chứng khoán toàn cầu khởi sắc, thị giá của các công ty tăng 9% so với năm ngoái, mạnh nhất trong 4 tiêu chí được đánh giá.


Đây cũng là năm đầu tiên 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc chiếm 4 vị trí đầu bảng. Đó là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Bank of China. JP Morgan Chase bị đẩy xuống vị trí thứ 6, còn Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư Warren Buffett vẫn đứng yên ở thứ 5.
Danh sách năm nay chứng kiến sự thống trị của các công ty Mỹ và Trung Quốc trong bản đồ kinh doanh toàn cầu. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chia nhau 10 vị trí đầu tiên. Dù vậy, Mỹ vẫn dẫn đầu với tổng số đại diện lên tới gần 580 công ty. Trong khi đó, Trung Quốc đóng góp chưa đầy một nửa số đó với 232. Nhật Bản lần đầu tiên bị đẩy xuống thứ 3 với 218 đại diện. Còn Pháp cũng rời khỏi top 5 để nhường cho Hàn Quốc. Hai quốc gia lần đầu góp mặt trong danh sách là Argentina và Cyprus.
Tính theo châu lục, châu Âu đứng thứ 3 với 486 công ty. Xếp trên là châu Á (691) và Bắc Mỹ (645).
Danh sách của Forbes cũng cho thấy ngành tài chính - ngân hàng tiếp tục thống trị với hơn 430 đại diện, dù con số này giảm so với năm ngoái. Theo sau là các công ty dầu khí, xây dựng và điện - nước.
Hà Thu (theo Forbes)

22/6/15

Bầu Hiển: “Man City sẽ mang đội hình mạnh nhất sang VN”

Bầu Hiển khẳng định Man City sẽ mang sang Việt Nam đội hình “xịn”, chỉ vắng 2 ngôi sao do vừa thi đấu xong ở giải Nam Mỹ.

Vì sao Man City chọn Việt Nam?

Theo kế hoạch ban đầu, đội bóng nước Anh sẽ đá giao hữu với Úc và Indonesia, tuy nhiên do Liên đoàn bóng đá Indonesia vừa bị FIFA cấm vận, nên Man City đã chuyển hướng sang Việt Nam. Tất nhiên, vai trò của bầu Hiển là rất lớn trong việc đối tác Man City quyết định sang du đấu tại đất nước hình chữ S.

“Trong cuộc làm việc cách đây 3 tuần, tôi chính thức mời họ sang Việt Nam thi đấu. Trong chuyến đi này, chương trình du đấu của Man City ở Úc và Indonesia. Tuy nhiên do bóng đá Indonesia trục trặc, nên kế hoạch này bị huỷ và họ đã chọn Việt Nam.

Hôm nay, Man City đã mail hợp đồng chính thức. Họ quan tâm rất chi tiết tới công tác bảo vệ, y tế, truyền thông… Về cơ bản đã thống nhất và hợp đồng sẽ ký trong thời gian tới”, bầu Hiển nói.

Cũng theo bầu Hiển, Man City ký hợp tác quan hệ với SHB từ hơn 1 năm qua. Tới đây, giữa SHB và CLB Man city có những kế hoạch hợp tác tiếp theo để phát triển các dịch vụ khác. Ngoài ra, Man City sẽ khảo sát nghiên cứu hoạt động SHB Đà Nẵng, HN T&T, để tiến tới hợp tác trong lĩnh vực, không chỉ bóng đá trẻ.

Đặc biệt, Man City sẽ đào tạo cấp quản lý, công tác quản lý, huấn luyện của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, bao gồm maketing, kinh doanh, thương hiệu, truyền thông để lôi kéo khán giả tới sân.

Theo kế hoạch, ngày mai Man City sẽ cử 2 đại diện đến 2 CLB HN T&T và SHB Đà Nẵng để khảo sát. Tuần này họ sẽ sang khảo sát sân Mỹ Đình để tổ chức trận đấu ngày 27/7. Theo chương trình, Man City sẽ có 2 đêm ở Việt Nam, với thành phần 65 người, được bố trí ở khách sạn 5 sao tại Hà Nội.

"Man xanh" mang đội hình mạnh nhất

Đó là khẳng định của bầu Hiển. Thậm chí ông bầu của đội bóng HN T&T cho biết nếu như Man City không mang sang đội hình 1, thì sẽ xem xét lại hợp đồng.

“Tôi yêu cầu họ phải mang sang Việt Nam đội hình 1. Phía Man City cũng đã đồng ý. Chỉ có 2 cầu thủ tham gia cúp Nam Mỹ (Sergio Aguero và Pablo Zabaleta) sẽ vắng mặt. Tôi đã đề nghị 2 cầu thủ này sang Việt Nam du lịch kết hợp du đấu, phía Man City cho biết sẽ xem xét.

Nếu không thực hiện được cam kết mang sang đội hình 1, tôi nghĩ hợp đồng giữa hai bên cần xem xét lại”, bầu Hiển khẳng định.

Nói thêm về mục đích chuyến du đấu tại Việt Nam của Man City, bầu Hiển nhấn mạnh: “Man City hiện nay đang phát triển bóng đá trên toàn cầu. Vừa rồi họ có mua cổ phần lớn từ các CLB tại Nhật Bản, Úc, Mỹ và đang có giao dịch mua một CLB của Ấn Độ, Trung Quốc. Như vậy, chiến lược kinh doanh của Man City là trên toàn cầu. Việt Nam có thị trường rất tốt, tiềm năng, nên Man City rất quan tâm”.


Man City sẽ mang đội hình mạnh nhất sang Việt Nam

Về sự chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam, theo bầu Hiển, ĐTVN phải có thành phần cầu thủ ưu tú nhất, bởi đây không chỉ là vinh dự của các cầu thủ, mà còn là hình ảnh của Việt Nam.

Nhiều phóng viên đã hỏi bầu Hiển liệu các CĐV Việt Nam có quan tâm tới sự kiện này, bởi số lượng fan của Man City rất ít so với MU, bầu Hiển cho biết, đây là cơ hội để cả Man City và các CĐV Việt Nam có những kế hoạch phát triển của mình:

“Man City rất quan tâm tới các CĐV Việt Nam. Họ muốn tham gia các hoạt động cộng đồng nhằm phát triển hội CĐV Man City ở Việt Nam. Nhiều khả năng một số cầu thủ của Man City sẽ giao lưu với các cầu thủ trẻ Việt Nam. Man City rất quan tâm tới hội CĐV tại Việt Nam. Theo thống kê hiện nay, có khoảng 7.000 CĐV Man City tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội của Man City."

Về vấn đề tài chính, bầu Hiển cho biết SHB có những nhà tài trợ đứng đằng sau sẵn sàng tài trợ. Trong thoả thuận không công bố về mức tài chính, nhưng khả năng có thể ở mức 1 triệu bảng Anh (gần 34,7 tỷ đồng - tỷ giá quy đổi giữa bảng Anh và VNĐ ngày 22/6). Theo đó, nguồn thu của sự kiện từ tiền bán vé, quảng cáo nhưng mục đích lớn nhất là phục vụ người dân.

Nguồn Khám Phá

1/3/15

Hai nhà máy Microsoft tại Trung Quốc sẽ đóng cửa và chuyển về VN

(Techz.vn) Đây là một phần trong kế hoạch biến Việt Nam trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển các sản phẩm di động của Microsoft.
Theo một thông tin được phát đi mới đây từ Microsoft, tập đoàn này đã quyết định đóng cửa hai nhà máy đặt tại Bắc Kinh và Quảng Đông. Đây là một phần của kế hoạch tái cơ cấu lại các nhà máy của Nokia trước đây trên toàn thế giới. Cũng theo phía Microsoft, các linh kiện đang được sử dụng tại 2 nhà máy bị đóng cửa sẽ được di chuyển để xây dựng các nhà máy tại Việt Nam.
Với việc đóng cửa 2 nhà máy tại quốc gia đông dân nhất thế giới, 9.000 lao động đang hoạt động tại 2 cơ sở này sẽ phải rơi vào cảnh thất nghiệp. Theo như dự kiến, Microsoft sẽ tiến hành chuyển 39 dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh về Việt Nam. Đây là một phần trong kế hoạch biến Việt Nam trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển các sản phẩm di động của Microsoft.