Trang

11/10/13

Vốn ngoại rót vào cầu, đường

TT - Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM) là dự án BT đầu tiên có yếu tố nước ngoài, triển khai đổi đất lấy dự án. Hình thức kêu gọi đầu tư này mở ra phương thức mới về huy động vốn đầu tư trong tình hình nguồn ngân sách eo hẹp.

Đường Phạm Văn Đồng đoạn chạy qua Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tất Thành Cang, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nói:
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tất Thành Cang, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nói:
- Với dự án đường Phạm Văn Đồng, lợi ích mang lại từ mô hình kêu gọi đầu tư này thấy rất rõ. Cụ thể, TP không phải bố trí ngân sách đang eo hẹp đầu tư tuyến đường này mà để tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Đầu tiên là tận dụng được phần vốn ứng trước (120 triệu USD) của nhà đầu tư để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Có nghĩa là TP không cần bỏ vốn mà có đường, tuyến đường được hình thành tạo điều kiện để chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh. Mặt khác ở hình thức này chủ đầu tư được giao một khu đất ở Q.2 để xây dựng. Hiện khu đất này đã được chủ đầu tư triển khai xây dựng đô thị tạo sự phát triển cho khu vực này.

* Vậy thời gian tới TP.HCM sẽ phát triển, mở rộng mô hình có yếu tố vốn nước ngoài này như thế nào?

- Do bản chất hình thức đầu tư theo hình thức BT là xây dựng - chuyển giao, việc hoàn trả chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện nay là bằng hình thức trả bằng tiền (ngân sách TP) hoặc giao thực hiện dự án khác (thường là dự án bất động sản). Với bối cảnh ngân sách hiện nay đang rất eo hẹp và quỹ đất có sẵn quá ít, không đủ để đối ứng với kinh phí đầu tư của nhà đầu tư nên để phát triển, mở rộng mô hình đầu tư này TP chủ trương giao cho nhà đầu tư nghiên cứu, khai thác quỹ đất dọc tuyến đường trên cơ sở các chỉ tiêu về quy hoạch và xây dựng nhằm đảm bảo lợi nhuận của nhà đầu tư và chênh lệch địa tô bù đắp vào kinh phí thực hiện công trình.

Theo đó, nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn để thực hiện công trình và dự án khác. TP sẽ hỗ trợ bù đắp lãi vay phát sinh cho phần vốn vay các tổ chức tín dụng của nhà đầu tư để thực hiện dự án. Việc hoàn trả kinh phí đầu tư công trình bằng dự án khác dựa trên nguyên tắc ngang giá tại cùng thời điểm giao đất để thực hiện dự án khác. Phần thiếu hụt trong việc chi trả kinh phí đầu tư công trình, tùy từng trường hợp sẽ được TP và nhà đầu tư thỏa thuận chi trả bằng ngân sách theo một hay nhiều đợt sau khi công trình đã được hoàn thành, quyết toán.

* Với nguồn vốn ngân sách eo hẹp hiện nay thì ngoài thực hiện BT, có phương thức kêu gọi đầu tư nào đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

- Theo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, tổng nhu cầu vốn từ nay đến năm 2015 là 71.220 tỉ đồng và đến năm 2020 là 326.277 tỉ đồng. Để có thể giải quyết được nhu cầu này, bên cạnh việc tiếp tục vận động nguồn vốn ODA, cần phải có nhiều cơ chế - chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia. Đặc biệt là nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Các dự án đầu tư theo hình thức sử dụng vốn ngoài ngân sách thuộc các lĩnh vực giao thông, vận tải và công chính tính với từng lĩnh vực sẽ có một số mô hình đầu tư phù hợp theo quy định hiện hành như hình thức hợp đồng BT, BOT,PPP... Tuy nhiên, Chính phủ và TP còn cần phải hoàn thiện các chính sách ưu đãi, tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư an tâm đầu tư. Giao nhà đầu tư chủ động nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế rủi ro trong đầu tư, xác định chính xác tổng chi phí đầu tư để tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo phù hợp với tiến độ giải ngân. Nghiên cứu này nếu được TP chấp nhận sẽ được hạch toán vào tổng chi phí đầu tư sau này để hoàn trả cho nhà đầu tư.

ĐÌNH DÂN thực hiện (Nguồn  tuoitre.vn)